Trong khuôn viên Bảo tàng Hải Dương hiện lưu giữ ngôi nhà của một trung nông từ thế kỷ XIX. Đây là hiện vật quý được các thế hệ người làm bảo tàng dày công tìm kiếm, sưu tầm, phục dựng và gìn giữ cho đến ngày nay.
Ngôi nhà trung nông đã được phục dựng và bảo tồn đúng nguyên mẫu trong khuôn viên Bảo tàng Hải Dương
Cơ duyên
Ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Dương là một trong những người góp công mang ngôi nhà này về phục dựng. Khoảng năm 1997, khi đó ông Tăng Bá Hoành làm Giám đốc Bảo tàng Hải Dương. Được đánh giá là người đi đầu của giới bảo tàng trong việc phục dựng khu trưng bày dân tộc học ngoài trời, ông Hoành luôn ấp ủ tìm kiếm 3 mẫu nhà đại diện cho tầng lớp quý tộc, trung nông và bần nông. Trước đó, ông Hoành và cộng sự đã tìm kiếm, mang về bảo tàng ngôi nhà của cụ Nghè Tân, đại diện cho nhà của tầng lớp quan lại, quý tộc, nhưng nhà của tầng lớp trung nông thì rất khó tìm được. "Cái khó nhất là nhà của trung nông cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thường dùng chất liệu không bền vững như tre, đất, rơm rạ. Vì thế, hầu hết những ngôi nhà này đã bị thời gian hoặc con người phá bỏ để xây dựng mới", ông Mậu cho biết.
Sau rất nhiều lần tìm kiếm không có kết quả, cơ duyên đã đến khi con của một gia đình trung nông ở Thanh Hà cho biết còn giữ được ngôi nhà nguyên vẹn và ngỏ ý chuyển ngôi nhà đó đến bảo tàng. Người đó là ông Hiểu, khi ấy là cán bộ một phường của thị xã Hải Dương. Còn ngôi nhà là sở hữu của cha ông - thầy giáo Phạm Sỹ Ý ở xã An Lương.
Như "vớ được vàng", ngay lập tức ông Hoành và các đồng nghiệp tìm về. Khi đó, ngôi nhà cũ đã được tháo dỡ và xếp gọn ghẽ để gia đình chuẩn bị xây cất một ngôi nhà mái bằng. Tiếng là ông Hiểu đã ngỏ lời, nhưng để đưa được ngôi nhà về là cả một hành trình dài đi lại, thuyết phục để nhận được cái gật đầu của tất cả các thành viên trong dòng tộc.
Rồi các chi tiết của ngôi nhà như vì, kèo, bức giại, vách ngăn, cửa gỗ... được thu dọn mang về bảo tàng phục dựng. Để có thể dựng lên đúng nguyên mẫu, Bảo tàng Hải Dương đã mời đến nhóm thợ giàu kinh nghiệm của nghệ nhân Bùi Bá Tú ở làng nghề mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang). Những người thợ Cúc Bồ trước đó cũng đã phục dựng thành công ngôi nhà của cụ Nghè Tân đại diện ở kế bên. "Nếu các phần của ngôi nhà mang về được giao cho một nhóm thợ thiếu kinh nghiệm thì khó lòng phục dựng được theo nguyên mẫu. Vì những người thợ trẻ không được sống trong thời gian, không gian ấy và họ không nhiều tư liệu. Nhưng may mắn ông Tăng Bá Hoành là người lớn tuổi, còn nghệ nhân Bùi Bá Tú cũng có kinh nghiệm phục dựng nhà cũ nên ngôi nhà đã hoàn thành theo nguyên mẫu, tái hiện được một di sản quý, có lẽ là còn lại duy nhất tại Hải Dương vào thời điểm đó", ông Mậu cho biết thêm.
Theo Bảo tàng Hải Dương, cùng với ngôi nhà của trung nông, nhà của tầng lớp quý tộc, quan lại ở kế bên của cụ Nghè Nguyễn Quý Tân được coi là di sản quý và độc nhất hiện nay. Ở Việt Nam, không có bảo tàng nào sưu tầm, phục dựng và gìn giữ được ngôi nhà của một danh nhân, quan lại như tại Bảo tàng Hải Dương.
Di sản quý
Ngôi nhà trung nông hiện nay nằm ở một góc của khuôn viên Bảo tàng Hải Dương và thường xuyên được kiểm tra, dọn dẹp. Ngôi nhà có 5 gian, mái lợp lá gồi thay cho nguyên mẫu lợp rạ để hạn chế việc phải thay thế, tu sửa hằng năm. Nhà có hệ thống vì, kèo, vách phía trước bằng gỗ. Tường 2 đầu hồi và phía sau được đắp tường trình từ chân lên khoảng 80 cm, phía trên trát rơm - đất cốt tre. Nhà có hiên và các bậc xuống sân. Trên hiên là các bức giại tre để chắn nắng và ngăn người từ ngoài nhìn thẳng vào nhà. Phía trước là 3 cửa ra vào, trong đó cửa hai bên thường được mở hằng ngày, cửa chính chỉ mở khi gia chủ có việc lớn như giỗ chạp, cưới xin... Ba gian giữa của ngôi nhà và 2 gian buồng phía 2 đầu hồi có vách ngăn bằng gỗ, có cửa ra vào. Hai gian buồng này thường được dùng chứa đồ đạc, nơi ở của phụ nữ trong gia đình hoặc dùng làm phòng cưới cho con cái mới thành hôn. Chính giữa ngôi nhà được coi là không gian quan trọng, dùng để bài trí bàn thờ gia tiên. Phía trước bàn thờ, gia chủ kê một bộ trường kỷ tiếp khách. Theo quan niệm của người dân, gian giữa là không gian quan trọng, gian trung tâm vì có bàn thờ nên tạo tính nghiêm trang khi giao tiếp, theo quan niệm dân gian gọi là có "ông thần chủ" nên khách không thể ăn nói càn rỡ. Nền ngôi nhà cũng được tái hiện bằng nền đất nện kỹ theo đúng nguyên mẫu.
Về nguồn gốc của ngôi nhà, theo Bảo tàng tỉnh Hải Dương, ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây là nhà đại diện cho tầng lớp trung nông nhưng thuộc diện khá giả vì to rộng, nhiều gỗ, thiết kế quy củ, chắc chắn. Cũng không rõ nguồn tiền để gia chủ có thể xây cất ngôi nhà này, nhưng chắc chắn đó là một gia đình có "của ăn của để" và nền nếp gia phong.
Dù được quan tâm gìn giữ, song qua thời gian, ngôi nhà trung nông này hiện đã có nhiều phần bị xuống cấp. Phần mái phía sau đã bị xô lệch, đứng từ bên trong có thể thấy ánh sáng chiếu vào. Phần trình tường ở một số chỗ bị nước từ mái nhỏ xuống gây hư hại. Tường trình đầu hồi phía trái ngôi nhà bị nghiêng vào trong, một số cột gỗ đã bị nứt hoặc cong vênh.
Nhà trung nông này là tâm huyết và công sức của các thế hệ người làm công tác bảo tàng của Hải Dương. Đây là di sản quý cần tiếp tục được gìn giữ, đầu tư bảo tồn để phục vụ cho người dân tham quan, nhất là giúp thế hệ trẻ có thể hình dung phần nào về đời sống của người nông dân Hải Dương trong quá khứ.
TIẾN HUY