Đình Hoàng Xá, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) thờ Thành hoàng làng và tiến sĩ Phạm Vĩnh Toán. Hiện nay, các tài liệu, hiện vật của đình vẫn được bảo quản tốt, có giá trị lịch sử sâu sắc.
Đình Hoàng Xá được xây dựng tại cuối thôn Hoàng Xá, trên một khu đất cao, thoáng, mặt tiền quay hướng nam. Qua ao đình nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông trải rộng, phía sau hậu cung là cây đa cổ thụ và giếng nước của làng, tạo cảnh quan yên bình nơi thờ tự.
Lịch sử xây dựng lâu đời
Quang cảnh đình Hoàng Xá
Theo nội dung tấm bia đá Công đức bi ký lưu giữ tại di tích, đình Hoàng Xá xây dựng vào trước năm Hoằng Định 11 (1610). Đến năm Đinh Dậu (1897), di tích được trùng tu lớn. Tham gia công đức tu sửa đình có cựu Lý trưởng liêm hàn tổng Lê Hữu Khai, kỳ dịch Lưu Văn Cầu cùng các ông Lê Văn Hịch, Phạm Đình Văn, Phạm Văn Chí, Nguyễn Văn Na...
Các cụ cao niên trong làng cho biết đình Hoàng Xá xưa có quy mô to lớn, kiến trúc kiểu chữ đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết, mái lợp ngói mũi. Tòa hậu cung nối với gian trung tâm toà đại bái bằng hệ thống kẻ xối tạo thành một không gian thờ tự liên hoàn. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1947), đình là địa điểm quyên góp, hưởng ứng phong trào Tuần lễ vàng (sự kiện khuyến khích người dân đóng góp vào ngân sách quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính của đất nước), đồng thời là trường học cấp I của xã Hồng Hưng.
Năm 1948, phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh, đình Hoàng Xá được chọn làm nơi trú ẩn của bộ đội và dân quân du kích. Thực dân Pháp đã tổ chức nhiều đợt càn quét khốc liệt nhằm triệt phá các cơ sở kháng chiến, chúng dùng pháo bắn vào khu vực đình làm tòa hậu cung bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 1961, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, địa phương hạ giải 5 gian đại bái lấy nguyên vật liệu xây dựng HTX. Cũng trong năm này, dân làng di chuyển các đồ thờ tự của đình đến đình Nhân Lý, cách đình Hoàng Xá khoảng 2 km về hướng nam thờ tạm, đây là ngôi đình duy nhất của xã Hồng Hưng còn lưu giữ được đến thời điểm đó.
Năm 1990, với sự phát tâm công tiến tiền của dân làng, đình Hoàng Xá được khôi phục lại trên cơ sở kế thừa hệ thống cột, vì kèo của tòa đại bái trước đây. Năm 1991, được sự cho phép của chính quyền xã Hồng Hưng, dân làng rước các đồ thờ từ đình Nhân Lý về đình Hoàng Xá thờ tự từ đó đến nay.
Ngai và bài vị thờ tiến sĩ Phạm Vĩnh Toán
Hiện tại, đình Hoàng Xá có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 1 gian hậu cung. Tòa đại bái hệ thống khung vì bằng chất liệu gỗ, các bộ vì chia gian liên kết với nhau bằng các xà hạ, xà thượng, gồm 6 vì kèo chia làm hai không gian kiến trúc. Nửa bên trái đình (4 vì kèo) kiến trúc giống nhau kiểu kẻ chuyền, giá chiêng, có bộ vì thay hệ thống kẻ bằng các bức chạm ở vì nách, đề tài chủ yếu là tứ quí (tùng, trúc, cúc, mai). Nửa bên trái đình (2 vì kèo) kiến trúc kiểu kèo cầu, bảy hiên chạm liên hoàn hai mặt đề tài độc long và lá hoá long. Tòa hậu cung xây gạch cuốn vòm, kết cấu đơn giản hơn.
Trong đình, hiện còn nhiều đồ thờ tự giá trị chất liệu giấy, gỗ và đá có niên đại vào thời hậu Lê và thời Nguyễn, tiêu biểu như khám, tượng thờ thành hoàng, ngai và bài vị, đài trầu, đài nước, giá đài, mâm bồng, hòm sắc... chạm khắc cầu kỳ, các họa tiết chau chuốt rồng, phượng, hổ phù, hoa dây, vân mây. Đặc biệt là cuốn thần tích do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào mùa xuân năm Hồng Phúc thứ 3 (1574), Quản giám bách thần, Tri điện hùng lĩnh thiếu khanh (thần) Nguyễn Hiền phụng sao vào mùa đông năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737), 8 đạo sắc phong và 6 tấm bia đá ghi chép về sự tích vị thần được thờ, quá trình xây dựng và trùng tu đình.
Nhiều công lao
Đình Hoàng Xá thờ Thành hoàng Công Hoằng Đại vương có công giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc vào thế kỷ VI và tiến sĩ Phạm Vĩnh Toán, triều hậu Lê, người bản quán.
Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam, Phạm Vĩnh Toán sinh năm 1488, người thôn Kim Tỷ, xã Hoa Xá, huyện Gia Phúc, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc). 24 tuổi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), khoa Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (năm 1511, đời vua Lê Tương Dực). Làm quan tới chức Thượng thư, tước Hầu. Khi mất được phong Quận công. Khoa thi này được dựng bia tại Văn miếu Hà Nội, hiện nay tên tuổi và nguyên quán của Phạm Vĩnh Toán vẫn lưu giữ trên bia.
Chạm khắc trúc hóa long trên vì nách tòa đại bái
Theo lưu truyền trong nhân dân, Phạm Vĩnh Toán khi làm quan trong triều về làng đã có công đắp bờ phân định ranh giới đồng ruộng giữa làng Hoa Xá (nay thuộc xã Hồng Hưng) với làng Chắm (nay thuộc xã Hoàng Diệu). Khi mất, tiến sĩ Phạm Vĩnh Toán được triều đình cử đình thần về làm lễ an táng tại khu đống Thượng, cách đình Hoàng Xá khoảng 500 m về hướng bắc. Trong 7 ngày làm lễ an táng, triều đình cấm người dân nơi đây không ra khỏi làng. Khu vực đống Thượng hiện còn một tấm bia đá, tuy nhiên trải qua mưa nắng, phần chữ đã mờ hết.
Ghi nhận công ơn của các vị thần, dân làng vẫn quanh năm đèn nhang, hương khói. Tiết lệ chính trong năm vào ngày 12 tháng giêng, dân làng quy tụ đông nhất thể hiện lòng tôn kính đối với các vị tiên hiền tôn thờ tại đình. Vào ngày này, việc hành lễ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, phần hội sôi động với các trò chơi bịt mắt bắt dê, đập niêu, bắt vịt, chọi gà, đi cầu thùm...
Năm 2013, đình Hoàng Xá được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
ĐẶNG THU THƠM