Vợ chồng ông Hùng, bà Hoa sinh đến lần thứ tư mới được một cô con gái nên ra sức chiều chuộng, cưng nựng.
Mặc dù nhà làm nông nghiệp nhưng ông Hùng không cho con gái động vào việc gì. Mọi việc đồng áng ông bà và ba cậu con trai làm hết. Thậm chí đến cả việc nấu cơm, rửa bát Diệu cũng không phải mó vào. Thỉnh thoảng ông Hùng lại vỗ ngực tự hào về Diệu: “Nhờ có con bé mình sẽ phá được cái thế tam nam bất phú, không thể chịu nghèo cả đời được”. Ông bà kỳ vọng rất nhiều ở cô con gái út.
Càng lớn Diệu càng khiến người làng phải trầm trồ vì vẻ ngoài xinh đẹp của cô. Da trắng, môi đỏ, dáng người thắt đáy lưng ong, Diệu khiến cho bao chàng trai phải “trồng cây si” và đàn bà con gái đi qua cũng phải ngoái lại nhìn. Có điều càng lớn Diệu càng thích ăn diện mà không thích học hành đến nơi đến chốn. Ba người anh trai của cô lần lượt đỗ đại học, có công ăn việc làm ổn định nhưng Diệu phải thi đến lần thứ hai mới có được cái bằng tốt nghiệp THPT. Ông Hùng, bà Hoa cứ gò lưng ra cấy lúa, trồng màu, chăn vịt và nuôi cá. Mùa nào việc ấy, hầu như chẳng có lúc nào ông bà ngơi tay nhưng kinh tế cũng chưa khấm khá lên được bao nhiêu vì hết con này học đại học lại đến con khác. Ông bà còn phải vay thêm ngân hàng để trang trải.
Sau khi ba cậu con trai tốt nghiệp đại học, có công việc, có thu nhập, có thể cáng đáng cho cô em út ăn học đàng hoàng để bố mẹ đỡ vất vả thì Diệu lại tuyên bố: “Tốt số còn hơn bố giàu, em lấy chồng giàu thì các anh cũng không phải lo mà bố mẹ cũng được nở mày, nở mặt”.
Khi Diệu dẫn chồng tương lai về ra mắt, bà Hoa sững sờ vì trông anh Hinh còn già hơn cả ông Hùng. Hỏi ra mới biết anh Hinh kém ông Hùng có hai tuổi thôi nhưng vì dáng đi cà nhắc, nước da đen và hàng ria con kiến nên trông anh già trước tuổi. Lúc đầu, bà Hoa và ông Hùng cứ lúng ta lúng túng trong cách xưng hô nhưng anh Hinh khá cởi mở và tự nhiên nên ông bà quen dần. Nhìn chiếc xe con bóng loáng và những đồ dùng sang trọng mà anh Hinh mua tặng con gái mình, ông Hùng cứ hoa hết cả mắt. Bà Hoa hết trầm trồ lại xuýt xoa với con gái: “Người đâu mà giàu thế, từ bé đến giờ mẹ chưa thấy cái xe nào đẹp như thế này đâu”. Bà chỉ băn khoăn một điều: “Sao anh Hinh đến bây giờ mới lấy vợ hả con? Chênh lệch tuổi tác nhiều như vậy có sao không?”. Diệu bật cười: “Đàn ông mà bằng ngần ấy tuổi vẫn chưa lấy vợ thì bị hâm nặng mẹ ạ. Anh Hinh có hai đời vợ rồi nhưng đều ly dị. Con không quan tâm đến quá khứ, chỉ quan tâm đến hiện tại và tương lai thôi. Anh ấy là giám đốc của một công ty lớn. Mấy cái thứ tài sản này ăn thua gì hả mẹ”.
Đám cưới của Diệu và anh Hinh diễn ra nhanh chóng. Ông Hùng, bà Hoa bỏ ngoài tai mọi lời ngăn cản của ba cậu con trai: “Em gái con lấy đâu chả được chồng, việc gì bố mẹ phải gả cho một người bằng tuổi cha, chú, lại còn tật nguyền nữa chứ”. Ông Hùng gắt lên: “Chuyện hôn nhân không ai ép được, cũng không ai chia rẽ được, tuổi tác không quan trọng miễn là chúng nó thương yêu nhau”. Nói thì nói vậy thôi chứ thực ra trong lòng ông bà đã bị lóa mắt trước khối tài sản kếch xù của anh Hinh. Họ hàng, làng xóm được dịp chứng kiến đám cưới có một không hai ở cái làng quê lam lũ. Đồ sính lễ chất ngất từ sân vào trong nhà, lá trầu và quả cau được đúc bằng vàng thật hẳn hoi, lại có cả “lễ đen” là một tệp đô la dầy cộp. Trẻ con, người lớn đứng dạt ở hai bên đường vừa xem vừa đếm đoàn ô tô rước dâu dài hàng cây số. Người thì tấm tắc khen: “Ông Hùng bà Hoa phen này đổi đời rồi, bõ công đẻ thêm cô công chúa”. Người thì bĩu môi: “Ôi dào! Tham giàu thì mới lấy chồng già như thế, ra đường người ta lại hỏi rằng cha hay chồng”. Người thì gàn: “Thôi, kệ người ta, hay dở thì người ta hưởng”.
Lấy chồng xong, không có chuyên môn gì nên Diệu muốn làm thư ký cho chồng cũng không được. Hằng ngày, quanh quẩn ở nhà với bà mẹ chồng già nua, khó tính và làm công việc của một ô sin khiến cô chán nản nên đành đến công ty của chồng làm tạp vụ. Được vài hôm pha trà, pha cà phê cho chồng, cô đã biết được bao nhiêu chuyện ở công ty. Thì ra khối tài sản kếch xù mà cô và bố mẹ cô tưởng của anh Hinh lại đang đứng tên bà mẹ chồng. Trong di chúc, mẹ chồng cô chỉ chia đều tài sản cho các con nếu đứa nào có con trai nối dõi tông đường. Chính vì lý do này mà hai người vợ trước của anh Hinh đã phải ra đi tay trắng vì toàn sinh ra “vịt giời”.
Diệu lên kế hoạch sinh con ngay, mà phải là con trai. Cô đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc để sinh con như ý muốn, nửa vì khao khát có được gia tài, nửa vì sợ “cha già con cọc”. Nhưng người tính không bằng trời tính, Diệu sinh đôi hai cô con gái, đẹp như thiên thần nhưng anh Hinh vẫn thở dài. Từ đó anh Hinh hay về muộn, hay say xỉn khiến Diệu trở nên lo lắng. Cô mà cất lời khuyên can, trách cứ là anh Hinh vung tay vung chân. Không chịu được cái cảnh bạo lực của chồng, Diệu bế hai con về nhà ngoại. Cô không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao. Ông Hùng bà Hoa cứ tưởng con gái mình vào chốn lầu son gác tía, nào ngờ lòng tham phải trả giá đắt như thế này.
TRẦN THỊ LÀNH