Nhiều mẹ bầu thắc mắc, lo lắng liệu bệnh tay chân miệng có gây nguy hiểm khi thai phụ tiếp xúc với trẻ mắc bệnh không?
1. Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến rất dễ lây ở trẻ em do enterovirus gây ra; bao gồm cả coxsackievirus. Bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thường gây sốt, lở loét đau trong miệng và phát ban đỏ, giống như vết phồng rộp ở lòng bàn tay và lòng bàn chân nhưng thường không nghiêm trọng.
Phần lớn trẻ mắc bệnh tay chân miệng là lành tính và có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như: viêm màng não, viêm não, tổn thương cơ tim… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Bệnh tay chân miệng ít phổ biến hơn ở người lớn do người lớn thường có kháng thể từ những lần nhiễm virus trước đó.
2. Bệnh tay chân miệng có gây rủi ro cho thai kỳ?
Chị H.Đ là giáo viên mầm non ở (phường Đa Kao, quận 3, TP Hồ Chí Minh) đang mang thai tuần thứ 9, rất lo lắng vì có thể bị lây bệnh tay chân miệng. Do đang mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ, chị Đ lo lắng nếu thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ, trong đó có trẻ mắc tay chân miệng, vậy chị có nguy cơ mắc tay chân miệng và ảnh hưởng đến thai kỳ không?
Cùng hoàn cảnh với chị H.Đ đó là trường hợp của chị K.T (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Từ khi đọc được thông tin virus gây bệnh tay chân miệng là loại dễ gây ra biến chứng, chị T rất sợ vì chị đang mang thai 22 tuần, nếu không may mắc liệu có thể gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con không.
Giải đáp những lo lắng này, PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng – Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy bệnh tay chân miệng gây nguy hiểm cho thai nhi khi mẹ mang thai. Tại Việt Nam cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bệnh tay chân miệng ở thai phụ có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi.
Nếu mẹ bầu mắc bệnh trong thời gian ngắn trước sinh thì điều này có thể dẫn đến lây nhiễm sang con, tuy nhiên rất hiếm xảy ra.
Chưa có bằng chứng cho thấy virus gây bệnh tay chân miệng ở người lớn có khả năng gây nên bất lợi đặc biệt cho thai kỳ như sảy thai, thai chết lưu hay các dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Vì vậy, nếu mẹ bầu có tiếp xúc với trẻ mắc tay chân miệng và nghi ngờ mắc bệnh không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng do không có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
3. Phòng bệnh tay chân miệng ở phụ nữ mang thai
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thắng, bệnh tay chân miệng gây ra thường thấy ở trẻ nhỏ, nhưng có nhiều khả năng mẹ bầu sẽ tiếp xúc với virus trong khi chăm sóc trẻ đang mắc bệnh. Nếu mẹ bầu thường xuyên ở gần trẻ nhỏ mắc bệnh tay chân miệng hoặc có tiếp xúc với trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần thực hiện những biện pháp sau:
- Rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ mắc bệnh tay chân miệng bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng.