Thách thức và cơ hội cho hàng Việt

27/05/2016 07:03

Hệ thống Big C Việt Nam được bán cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã tạo ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội của hàng Việt trong cuộc chạy đua với các mặt hàng nhập ngoại.



Các mặt hàng Việt vẫn chiếm đa số tại Big C Hải Dương

Tại siêu thị Big C Hải Dương, hàng Việt Nam vẫn chiếm phần lớn không gian siêu thị. Khi phóng viên bày tỏ lo ngại về việc thay đổi chủ sở hữu sẽ tạo cơ hội cho các mặt hàng nhập khẩu, nhất là hàng Thái Lan xuất hiện nhiều trên các kệ hàng của Big C, bà Ngô Thị Minh Thu, Giám đốc siêu thị Big C Hải Dương cho biết: "Hiện nay, 95-98% số mặt hàng bày bán tại đây vẫn là hàng nội địa. Chiến lược kinh doanh của hệ thống Big C toàn quốc chưa có sự thay đổi gì so với trước". Siêu thị Big C Hải Dương đang triển khai chương trình khuyến mãi “Hàng Việt trong tim người Việt”. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình đồng hành và xúc tiến phát triển thương hiệu Việt năm 2016 của hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc. Theo đó, các mặt hàng thiết yếu được giảm giá từ 5 - 49%, giúp người tiêu dùng thuận lợi mua sắm hàng Việt.

Hiện tại, Big C Hải Dương đang nhập hàng từ các nhà cung cấp trên phạm vi cả nước. Các công ty: Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà, CP Dịch vụ thương mại Tuấn Tuân ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) và cơ sở sản xuất bánh đậu xanh Hương Nguyên đã được trung tâm thu mua của hệ thống siêu thị Big C tại TP Hồ Chí Minh kiểm định và giám sát về chất lượng sản phẩm trước khi cung cấp hàng hóa cho siêu thị. Big C Hải Dương đang phối hợp với Sở Công thương khảo sát, tìm kiếm các doanh nghiệp, đơn vị khác đủ điều kiện để ký hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Theo đại diện Sở Công thương, sự kiện hệ thống Big C rơi vào tay ông chủ người Thái Lan có thể sẽ tạo ra cơ hội cho hàng hóa nước ngoài vào hệ thống siêu thị này, trong đó có hàng Thái Lan. Việt Nam cũng tham gia ký kết 13 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đó còn chưa kể là thành viên của Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC)... Các hiệp định này tạo ra một cuộc cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Hàng hóa ngoại nhập sẽ tràn vào Việt Nam, ngược lại hàng Việt Nam cũng sẽ có mặt ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) thẳng thắn nói: "Tôi sẽ lựa chọn hàng có chất lượng tốt, giá cả phải chăng bất kể đó là hàng Việt hay hàng nhập ngoại". Trong khi đó, vừa lựa chọn quần áo cho con tại siêu thị Big C Hải Dương, anh Nguyễn Xuân Bách ở xã Thanh Khê (Thanh Hà) vui vẻ cho biết: "Đối với loại hàng hóa có giá trị thấp thì tôi vẫn ưu tiên lựa chọn những mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, những mặt hàng có giá trị lớn, độ chính xác cao thì tôi phải cân nhắc".

Bà Ngô Thị Minh Thu, Giám đốc siêu thị Big C Hải Dương khẳng định: "Sự lựa chọn của người tiêu dùng sẽ mang tính quyết định siêu thị sẽ bán hàng hóa nào. Là một nhà cung cấp, chúng tôi chỉ bán những thứ khách hàng cần. Mong rằng các đơn vị cung cấp nội địa nỗ lực hơn nữa nâng cao chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với hàng ngoại nhập".

Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc Big C đổi chủ không đáng ngại, quan trọng là chất lượng hàng Việt Nam có thật sự cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan hay không. Bà Phạm Thị Thanh, đại diện Công ty CP Dịch vụ thương mại Tuấn Tuân - đơn vị cung cấp thịt bò, thịt lợn cho Big C Hải Dương cho biết: "Chúng tôi luôn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Thịt cung cấp ra thị trường phải được kiểm định, khi giết mổ cũng phải bảo đảm vệ sinh. Trong quá trình tìm kiếm nguồn hàng, chúng tôi luôn động viên các chủ trang trại phải nuôi lợn an toàn, không sử dụng chất cấm. Có như vậy mới duy trì được hợp đồng với các đối tác". Theo bà Thanh, sự xuất hiện của hàng ngoại nhập cũng có mặt tích cực, giúp các doanh nghiệp trong nước phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, giá cả để cạnh tranh... Nếu các doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ thì đây sẽ là cơ hội để hàng hóa nội địa chiếm lĩnh thị trường và vươn xa hơn.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước phải sẵn sàng đương đầu với sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa ngoại nhập. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp trong nước phải cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. "Khi đã hội nhập là chúng ta chấp nhận một sân chơi bình đẳng. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng sẽ giúp doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn, không những khẳng định ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thế giới", ông Quang cho biết thêm.

LÊ HƯƠNG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức và cơ hội cho hàng Việt