Theo Sở Y tế, năm 2018, tỷ lệ tiêm vaccine phối hợp 5 trong 1 và tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ không đạt chỉ tiêu kế hoạch do nguồn vaccine cung ứng từ Trung ương không đáp ứng đủ.
Sau khi xuất hiện ổ dịch sởi, các học sinh Trường Tiểu học Tân Hương (Ninh Giang) được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trong ảnh: Khám phân loại cho học sinh trước khi tiêm vaccine
Năm 2019, ngành y tế phấn đấu tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt hơn 99%, nhưng với tình hình hiện nay, chỉ tiêu này không dễ thực hiện.
Nhiều khó khăn
Ngoài 8.000 nhân khẩu của xã, Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) còn có nhiều công nhân, người lao động từ nơi khác đến cư trú với khoảng 2.000 người. Theo bác sĩ Vũ Thị Mến, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Cẩm Phúc, trạm y tế chỉ nắm rõ số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn, còn số lượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng của công nhân, người lao động từ nơi khác đến thì không quản lý. Tiêm chủng cho đối tượng này hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của các bậc phụ huynh. Nếu như họ hiểu rõ lợi ích của chương trình tiêm chủng mở rộng thì đưa con đến tiêm vào các buổi tiêm chủng hằng tháng của trạm. Do không biết trước số trẻ vãng lai trong từng tháng nên trạm y tế thường bị động, dễ xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu vaccine.
Trạm Y tế xã Cẩm Phúc còn gặp khó khăn liên quan đến phần mềm tiêm chủng. Dù đã có quy định, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải nhập thông tin, lịch sử mũi tiêm của trẻ vào phần mềm và chuyển cho trạm y tế nhưng thực tế có rất ít cơ sở thực hiện. Nhiều cơ sở thay vì tìm mã định danh có sẵn từ trước của trẻ lại nhập mã định danh mới, gây ra hiện tượng trùng lặp, không hồi cứu được lịch sử tiêm chủng. Do đó, nếu dựa vào phần mềm, cán bộ, nhân viên y tế khó có thể biết rõ trẻ đã được tiêm vaccine dịch vụ hay chưa.
Đến ngày 17.6, trong tỉnh đã có 5 ổ dịch sởi, trong đó 3 ổ dịch có nhiều trẻ em mắc gồm: thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), Tân Hương (Ninh Giang) và Minh Hòa (Kinh Môn). Điều đáng chú ý là ở những ổ dịch này đều có nhiều trường hợp không được tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Trong số 12 học sinh mắc sởi ở Trường Tiểu học Tân Hương, có 6 em không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, 2 em chỉ được tiêm 1 mũi (vaccine phòng sởi được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi mới tạo ra miễn dịch tốt). Tại thời điểm xuất hiện ca bệnh đầu tiên mắc sởi, Minh Hòa có 146 trẻ chưa tiêm vaccine phòng sởi và 206 trẻ chưa tiêm vaccine sởi mũi 2. Các trường hợp không được tiêm chủng đầy đủ sẽ tích lũy qua các năm và là nguyên nhân khiến bệnh dễ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm.
Đại diện Trạm Y tế xã Minh Hòa cho rằng, do cha mẹ của nhiều trẻ không có nhà nên thông báo trên loa truyền thanh hay phát giấy mời thì họ cũng không nắm rõ thông tin về tiêm chủng. Khi đăng ký nhận thông báo về lịch tiêm chủng qua dịch vụ nhắn tin, có phụ huynh thay đổi số điện thoại nhưng không báo lại. Có phụ huynh không nhớ lịch sử tiêm chủng của trẻ hoặc đôi khi vì lý do nào đó trẻ phải hoãn tiêm, nhưng sau đó phụ huynh cũng quên không đưa con ra trạm để tiêm đầy đủ.
Tiêm vaccine ComBE Five cho trẻ tại Trạm Y tế xã Nghĩa An (Ninh Giang)
Chậm cung ứng vaccine
Từ tháng 6.2018, Bộ Y tế có chủ trương thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem bằng ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thời gian chờ vaccine mới kéo dài khiến nhiều trẻ ở độ tuổi tiêm (2, 3, 4 tháng tuổi) phải chờ đợi. Tháng 1.2019, tỉnh ta bắt đầu tiêm vaccine ComBE Five, nhưng đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 14% tổng số trẻ cần tiêm). Sau đó, tỷ lệ này tăng dần qua các tháng. 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã tiêm khoảng 10.000 liều vaccine ComBE Five (đạt khoảng 71%). Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh còn chưa yên tâm vào vaccine mới nên lùi thời gian tiêm cho con để nghe ngóng tình hình hoặc lựa chọn tiêm các gói vaccine dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Nhưng vaccine dịch vụ thường khan hiếm và chỉ đáp ứng dưới 10% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Việc phụ huynh không lựa chọn tiêm ComBE Five nhưng cũng không tiêm vaccine dịch vụ cho con vì khan hiếm dễ bỏ qua thời điểm vàng của trẻ. Vaccine ComBE Five được khuyến cáo chỉ nên tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, qua độ tuổi này, miễn dịch tạo ra không cao, cơ thể dễ có nhiều phản ứng. Ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết theo điều 8, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Nhưng điều này rất khó áp dụng vào thực tế, từ khi nghị định có hiệu lực đến nay, chưa có trường hợp nào của tỉnh ta bị xử phạt.
Ngày 13.11.2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3991/KH-UBND về việc tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi/rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Theo kế hoạch, thời gian tổ chức tiêm đồng loạt từ ngày 14-18.1.2019. Do nguồn vaccine của Văn phòng Tiêm chủng quốc gia chưa đáp ứng cho các địa phương, trong đó có Hải Dương nên đợt tiêm chủng phải tạm hoãn. Theo đó, gần 129.000 trẻ phải hoãn tiêm vaccine sởi/rubella. Đến nay, đợt tiêm chủng này vẫn chưa được triển khai.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến hết tháng 5, tỷ lệ tiêm vaccine DPT-VGB-HiB mũi 3, bOPV lần 3 (phòng bại liệt) và tiêm chủng đầy đủ đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Để khắc phục những khó khăn trên, cùng với nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự phối hợp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và đầy đủ số mũi bởi tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng bệnh.
HOÀNG QUÂN