Thách thức trong làm chủ hạ tầng số

16/07/2021 09:27

Mục tiêu của Hải Dương là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn khó khăn do kỹ năng, kiến thức của đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin trong nhiều đơn vị, tổ chức hạn chế.


Quy hoạch hợp lý các trạm BTS sẽ góp phần chủ động trong ứng dụng những công nghệ mới như 5G trong tương lai

Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số (HTS) - hạ tầng quan trọng của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là mục tiêu của cả nước nói chung và của Hải Dương nói riêng trong hành trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi và làm chủ HTS đặt ra không ít thách thức.

Tiếp cận IPv6

HTS với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng, nền tảng định danh, xác thực số và hạ tầng điện toán đám mây. Trong quá trình chuyển đổi số, HTS phải được đầu tư trước để đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh kết nối internet vạn vật (IoT) cũng như công nghệ truyền thông di động thế hệ 5 (5G). Ông Phạm Huy Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Bản chất của internet là dựa trên công nghệ mở, giao thức mở. Do đó, việc làm chủ HTS và không gian mạng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chuyển đổi số”.

Với ưu thế về công nghệ và an toàn bảo mật, địa chỉ internet thế hệ 6 (IPv6) đang dần thay thế địa chỉ internet thế hệ 4 (IPv4). Đây cũng là giao thức mặc định trong mạng 5G và IoT, gắn liền với việc phát triển chính quyền điện tử và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Mặc dù mạng internet Việt Nam đã hoạt động tốt với IPv6 nhưng mức độ ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ cơ quan nhà nước còn chậm hơn so với hiện trạng chung quốc gia.

Để thúc đẩy quá trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tất cả các cơ quan nhà nước hoàn thành chuyển đổi IPv6. Đối với Hải Dương, theo kế hoạch vừa được UBND tỉnh ban hành, đến năm 2023, tất cả mạng lưới, dịch vụ trên không gian mạng của khối cơ quan nhà nước trong tỉnh sẽ được chuyển đổi sang IPv6.

Kế hoạch chuyển đổi IPv6 của tỉnh gồm 3 giai đoạn, từ chuẩn bị, kết nối thử nghiệm cho đến chuyển đổi chính thức. Hàng loạt vấn đề đặt ra như quy hoạch địa chỉ IPv6 cho hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị; bổ sung, nâng cấp, thay thế các thiết bị phần mềm triển khai hệ thống IPv6; mua sắm bổ sung thiết bị, đường truyền cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai IPv6 trong giai đoạn tiếp theo… 

Ông Phạm Huy Thắng nhận định để bảo đảm lộ trình thay thế IPv4, việc đầu tiên cần triển khai là nâng cao nhận thức cơ bản và chuyên sâu về IPv6 cho đội ngũ nhân sự phụ trách công nghệ thông tin. “Một thực tế cần nhìn nhận thẳng thắn là kỹ năng cũng như kiến thức về HTS nói chung, IPv6 nói riêng của nhân sự công nghệ thông tin trong nhiều đơn vị, tổ chức còn yếu”, ông Thắng cho biết. Cùng với đó, hệ thống máy tính sử dụng hệ điều hành Windows XP, một hệ điều hành tương đối cũ so với hiện tại cũng là hạn chế cần vượt qua trong việc chuyển đổi IPv6. 


Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang IPv6 đồng nghĩa việc đẩy nhanh phát triển hạ tầng mạng, một yếu tố quan trọng của hạ tầng số

Thúc đẩy điện toán đám mây

Điện toán đám mây là một trong những “chân kiềng” của hạ tầng số. Tại Hải Dương, đã có 2 hội thảo  về dịch vụ số này và về giải pháp ứng dụng HTS và công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp được tổ chức từ năm 2019 trở lại đây. Tuy nhiên, việc ứng dụng vẫn vướng nhiều rào cản. Ông Lê Hồng Phong, Phó Giám đốc Giải pháp công nghệ thông tin (Viettel Hải Dương) nhận định: “Doanh nghiệp đa phần có quy mô nhỏ và vừa nên gần như không phát sinh nhu cầu thuê dịch vụ lưu trữ dữ liệu, sử dụng máy chủ ảo”. Những ứng dụng cơ bản như phần mềm kế toán, phần mềm quản lý hàng hóa dù hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây nhưng không thuộc sự quản lý từ doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là dữ liệu chỉ tồn tại khi doanh nghiệp sử dụng ứng dụng. 

Ngoại trừ các cơ quan đang sử dụng dịch vụ máy chủ ảo như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Bình Giang, Công ty CP Điện lực Duy Tân (Kinh Môn)… đa phần các đơn vị, tổ chức kinh doanh đều đang sử dụng hệ thống máy chủ vật lý, do bộ phận kỹ thuật quản lý và điều hành. 

Cũng chính từ quy mô nhỏ và vừa của doanh nghiệp nên nhu cầu khai thác, sử dụng dữ liệu mọi lúc, mọi nơi chủ yếu dựa trên nhiều nền tảng miễn phí sẵn có. “Đa phần dữ liệu được đồng bộ và lưu trữ trên Google Drive, Dropbox miễn phí đã đủ để sử dụng trong công việc nên công ty chưa thực sự quan tâm đến dịch vụ máy chủ ảo”, đây là ý kiến của đại diện một số doanh nghiệp trong tỉnh.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hải Dương cho rằng trình độ của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin trong nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng là rào cản ảnh hưởng đến việc ứng dụng điện toán đám mây. “Do kiến thức và kỹ năng vận hành hệ thống còn thấp nên đội ngũ này gặp hạn chế trong tham mưu, tư vấn, giới thiệu về điện toán đám mây đến ban lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp”, ông Khánh nói.

Một vấn đề khác đặt ra về HTS là phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó có việc thúc đẩy phát triển trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng (trạm BTS). Nhiều ý kiến cho rằng bổ sung vị trí trạm BTS trong các khu, cụm công nghiệp là cần thiết. Cùng sự phát triển kinh tế, các doanh nghiệp, nhà máy sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT hay các thiết bị đầu cuối sử dụng 5G. Quy hoạch xây dựng trạm BTS tại các khu vực này theo đó cần có sự tính toán phù hợp, góp phần triển khai HTS thành công.

Tỉnh Hải Dương quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin theo hướng hiện đại. Mạng lưới cáp quang đã được triển khai đến tất cả các xã, phường, thị trấn; 55% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh hiện có 72% số dân dùng điện thoại thông minh; tỷ lệ thuê bao di động đạt 129,1 thuê bao/100 dân. Hiện có 790 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông trong tổng số 14.000 doanh nghiệp, trong đó thực tế hoạt động khoảng 200 doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 3.000 trạm BTS.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức trong làm chủ hạ tầng số