Cho dù muốn hay không, ông Joe Biden, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ từ ngày 20.1, sẽ phải gánh vác nhiệm vụ "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà ông Trump để lại.
Mỹ bước vào năm 2021 ở một vị thế bấp bênh nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vai trò cường quốc số 1 thế giới mà nước Mỹ mặc nhiên được thừa nhận trong 100 năm qua đang chịu nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
Trong nội bộ, hiếm có khi nào sự chia rẽ chính trị lại sâu sắc như hiện nay, khi hàng chục nghìn người ủng hộ vị tổng thống thất cử tràn vào tòa nhà Quốc hội phản đối và ngăn cản việc thông qua kết quả bầu cử tổng thống.
Trong lịch sử của nước Mỹ, không hiếm có những cuộc biểu tình với hàng trăm ngàn người và sự chia rẽ xã hội sâu sắc liên quan đến những vấn đề như chiến tranh Việt Nam, Iraq... nhưng ít khi có sự chia rẽ chính trị nội bộ lại sâu sắc như những gì đang diễn ra và có nguy cơ sẽ làm suy yếu tính bền vững và sự ổn định của nền chính trị Mỹ hơn 200 năm qua từ ngày lập quốc.
Liệu nước Mỹ có hàn gắn được những chia rẽ mà vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã gây ra sẽ là câu hỏi đầu tiên cho nhiệm kỳ tới của ông Biden.
Trong lịch sử, sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc bao giờ cũng bắt đầu từ sức mạnh kinh tế. Một đế chế Anh tưởng như "mặt trời không bao giờ lặn" cũng phải nhường lại vị thế siêu cường khi không còn giữ được vị thế nền kinh tế số 1 thế giới.
Nước Mỹ bước vào năm 2021 với một viễn cảnh kinh tế ảm đạm khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan tràn, cho dù việc tìm ra vắcxin đã làm dấy lên hi vọng về một sự phục hồi sớm.
Nhưng về lâu dài, COVID-19 đã làm đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc - nền kinh tế số 2 của thế giới. Nếu những dự đoán về việc năm 2028 Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới thực sự diễn ra, sớm hơn nhiều so với những dự đoán trước đây, đây sẽ là lần đầu tiên trong vòng hơn 100 năm qua nước Mỹ mất đi vị thế số 1 thế giới về kinh tế.
Về đối ngoại, một nước Mỹ từng đi đầu trong việc định hình hệ thống quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay trong những năm gần đây lại trở thành trở lực cho sự hợp tác quốc tế trong nhiều vấn đề toàn cầu. Quan hệ với các đồng minh bị chia rẽ, các đối thủ nổi lên thách thức, vai trò lãnh đạo bị hoài nghi.
Cho dù ông Biden đã cam kết một cách tiếp cận khác nhưng có lẽ sẽ cần nhiều thời gian và sự nghi ngờ về một nước Mỹ với sự quay trở lại của một tổng thống dân túy vẫn còn đó. Đồng thời, một cách tiếp cận khác nhưng cũng cần kèm theo đó là hành động mạnh mẽ, cương quyết ít nhiều như trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm là những gì mà các nước hi vọng bộ máy sắp tới của ông Biden sẽ mang lại.
Thách thức cuối cùng và cũng là khó khăn nhất mà ông Biden phải đối mặt là làm thế nào để "khôi phục" lại vị thế của nước Mỹ.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc 100 năm trước - năm 1921 - cũng là lúc nước Mỹ chính thức được thừa nhận một cách rộng rãi là cường quốc số 1 thế giới. Vị thế này càng được củng cố sau chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và sự kết thúc của Chiến tranh lạnh.
Trong khi các cường quốc khác đến rồi lại đi, sự bền vững và ổn định của mô hình Mỹ là điều không thể phủ nhận và nước Mỹ với không ít những sai lầm trong lịch sử nhưng vẫn được nhiều nước nhìn đến như là quốc gia có đủ khả năng để giúp giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Nhiệm vụ của ông Biden là làm thế nào để có thể củng cố được nền tảng đã được tạo dựng từ hơn 100 năm này.
"Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" có lẽ không phải là khẩu hiệu của một nhiệm kỳ hay của riêng ông Trump. Ông Biden đã vượt qua một kỳ bầu cử sóng gió để đặt chân vào Nhà Trắng, nhưng những thách thức thực sự sẽ chỉ bắt đầu từ ngày 20.1 này.
Theo Tuổi trẻ