Tết trong ký ức của tôi, từ 15 tháng chạp là không khí Tết đã tràn ngập làng quê.
Không biết có phải khi càng lớn tuổi, người ta thường càng hay cảm thấy nuối tiếc và hoài niệm về những cái đã qua? Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuần nông nên vào những năm 70-80, khi mà cái đói, cái nghèo vẫn còn hiển hiện đến mức chả ai thấy tủi thì tụi trẻ con chúng tôi chỉ mong chờ Tết để được ăn no và được mặc quần áo mới.
Trong ký ức của tôi, từ 15 tháng chạp là không khí Tết đã tràn ngập làng quê. Cái không khí ấy không phải xuất phát từ những con đường chăng đèn kết hoa rực rỡ như bây giờ mà đến từ những bước chân hối hả của người nông dân thu hoạch nốt những thửa ruộng cây vụ đông cuối cùng để kịp chuẩn bị cho vụ xuân hè trước khi Tết đến. Là tiếng ríu rít chuyện trò của các bà, các cô xem năm nay dự định ăn Tết mấy còn gà, ăn đụng mấy cân thịt lợn và gói bao nhiêu chiếc bánh chưng. Là tiếng đập chiếu bạch bạch ở khắp các cầu ao do nhà nào cũng mang chiếu ra giặt để chuẩn bị đón Tết… Trong các phiên chợ, mẹ bắt đầu mua sắm dần từng món đồ phục vụ Tết. Bữa thì bó miến, bữa thì túi măng khô, vài xâu mộc nhĩ, nấm hương, túi đậu xanh, hạt tiêu hay 1 can nước mắm… Chỉ cần nhìn thấy những món đồ đó trên cái nóc chạn cũ kỹ kê ở góc nhà ngang là tôi biết Tết đã đến rất gần.
Tính tôi ưa sạch sẽ, thích dọn dẹp từ nhỏ nên tôi đặc biệt thích những ngày cuối năm khi được cùng cả nhà dọn nhà đón Tết. Tôi thích cái cảm giác cầm hai đầu của một chiếc giẻ lau cắt ra từ cái áo cũ nát luồn qua từng cái nan sắt của cửa sổ sắt hoa trang trí ngăn cách giữa gian chính và gian phụ rồi kéo qua kéo lại để lau sạch bụi. Tôi cũng thích được loanh quanh phụ mẹ dùng cái chổi rơm buộc vào một chiếc gậy tre dài thật dài để quét mạng nhện quanh nhà. Cái tôi không thích nhất là phải đứng vào trong cái chậu nhôm có mấy cái màn ngâm từ tối hôm trước, dùng đôi bàn chân đen đúa, nứt nẻ của mình để chà qua chà lại giặt màn trong cái lạnh cắt da của những ngày giáp Tết.
30 Tết là ngày vui nhất trong các ngày Tết. Từ sáng sớm, mẹ đã đi chợ về với lỉnh kỉnh các loại rau gia vị, trái cây để bày mâm ngũ quả, 2 cây mía để dựng hai bên ban thờ, 2 cây bồng bồng để cắm vào cặp lộc bình với mong muốn cả năm phát lộc phát tài... Bố sẽ ra vườn chọn cắt một quả bưởi thật đẹp đặt lên nải chuối to nhất được giữ lại từ buồng chuối Tết đã bán cho mấy bà buôn chuối. Sau khi hoàn thành mâm ngũ quả và trang trí ban thờ thì cả nhà lại ngồi xoay quanh cái nia chứa đầy thịt được chia theo số lượng ăn đụng đã đăng ký. Bố sẽ sơ chế, phân loại thịt rồi sai anh em chúng tôi bắc bếp để cùng mẹ chế biến. Mỡ thì đem rán để dùng dần. Thịt ba chỉ được dùng một phần để gói bánh chưng, một phần pha thành từng miếng vừa phải đem quay đủ để làm cơm thắp hương 3 ngày Tết. Phần thịt sỏ để gói giò xào còn phần thịt vụn sẽ được băm ra để gói nem… Lần nào tôi cũng tranh phần rán mỡ để có thể tranh thủ bốc vài miếng tóp mỡ béo ngậy, nóng hổi khi vừa rán xong.
Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết giống như là bữa cơm thần thánh mà nhờ có nó, con người ta có thể quên hết đi những muộn phiền, cái đói, cái nghèo, cái vất vả lo toan đã đeo bám mình suốt một năm qua để lại tiếp tục chờ đợi và mơ về một cái Tết năm sau no đủ hơn Tết này. Bên nồi bánh chưng chờ giao thừa đến, cả nhà tôi ngồi nghe bố mẹ kể lại những kỷ niệm về Tết từ thời ông bà, thời mà bố mẹ cũng còn nhỏ như chúng tôi khi ấy. Khi mẹ bê chậu lá mùi già thơm ngào ngạt đến bên bếp để cho từng người lau mặt là tôi biết đã sắp đến giao thừa. Bố sẽ vào nhà thắp hương rồi mang bánh pháo anh tôi quấn từ trước Tết treo lên cây nhãn trước nhà và bắt đầu đốt. Hồi ấy chưa cấm pháo như bây giờ, tiếng pháo đì đẹt nhà tôi hòa cùng tiếng pháo của mọi nhà tạo nên một thứ thanh âm giòn giã. Thời khắc ấy, ai cũng mong một năm mới ấm no, hạnh phúc sẽ về!
KIM QUYÊN