Tác phẩm “Bút nghiên” xem đoạn Tết Thầy, ta ngỡ mình lạc trôi đến hàng trăm năm trước.
Cụ Lê Nhữ Lâm (ngoài cùng bên phải) là thầy dạy vua Bảo Đại
Những dãy nhà thơm mùi nghiên bút mực tàu, những người đáng kính. Con đường đạo học ngày xưa nghiêm trang, thận trọng đón mùa xuân đến với nhịp sống khoan thai, tao nhã…
Cảo thơm lần giở
Năm 1659, theo thầy dòng tên Bento Thiện kể: “Trong ba ngày Tết, ngày mồng Một quan trọng hơn cả, dành để đi thăm họ hàng thân; mồng hai, thăm bạn bè, họ xa; mồng ba, mồng bốn hóa vàng, tiễn ông vải. Sau đó, các nhà buôn chọn ngày tốt, cúng và đốt pháo mở cửa hàng. Thời Nho học còn thịnh, mồng ba Tết có lệ học trò đến mừng tuổi Thầy học: Mồng một thì ở nhà cha; mồng hai nhà vợ; mồng ba nhà Thầy”.
Người ta không xác định được thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” có từ bao giờ. Chỉ có thể nói thành ngữ này được xếp vào văn hóa dân gian. Ngày Mùng 1 Tết dành cho người cha vì trong quan niệm truyền thống dân gian, người cha bao giờ cũng ở vị trí cao nhất “con không cha như nhà không nóc”. Mùng 2 Tết mẹ - người đảm đang mọi việc trong gia đình. Sau cha và mẹ là thầy - người dạy cho con chữ và đạo làm người, thì với người Việt, phải “tôn sư trọng đạo”.
Tác phẩm “Bút nghiên” (xuất bản năm 1942) của nhà văn Chu Thiên (tên thật Hoàng Minh Giám, sinh 1913, mất 1992) đã tường thuật cặn kẽ về ngày Tết Thầy như sau: “Mồng ba Tết, các đại danh sư không tiếp ai ngoài học trò mình; “Ðệ tử giai kỳ tử” - học trò cũng là con, những đứa con tinh thần. Hôm ấy không ai dám đến chơi nhà những bậc thầy danh tiếng, e phạm đến cái không khí nghiêm trang, đầm ấm giữa tình thầy trò thân mật buổi đầu xuân”.
Ban đầu nhà văn miêu tả tỉ mỉ quang cảnh hành lễ hết sức trịnh trọng, trang nghiêm: “Từng bọn một, học trò đem những quả lễ, trong bầy cam, rượu, chè, cau, đặt lên trình quan Hoàng giáp rồi xin phép đưa lên lễ tổ”. Học trò gọi Thầy là quan Hoàng giáp theo cách gọi học vị thời Lê Trịnh - Hoàng giáp là danh hiệu của học vị tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời phong kiến. Loại danh hiệu này được xác định trong kỳ thi đình; còn gọi là tiến sĩ xuất thân.
Vì đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị tiến sĩ, trên đệ tam giáp, nhưng dưới đệ nhất giáp, nên hoàng giáp còn gọi là đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Học vị hoàng giáp (đệ nhị giáp) cùng với đệ nhất giáp (tam khôi) và đệ tam giáp được quy định lần đầu tiên vào năm 1232 đời vua Trần Thái Tông. Đến đời nhà Nguyễn (theo định chế “tứ bất” của vua Gia Long đặt ra) thì triều đình bỏ không lấy hạng đệ nhất giáp, đặc biệt là bỏ Trạng nguyên. Nên người đỗ hoàng giáp xếp trên cùng có thể coi là đình nguyên. Loại này không chia bậc, chỉ xếp theo thứ tự, ai đỗ cao hơn được xếp ở trên; khi bổ làm quan được lĩnh chức có hàm tòng thất phẩm.
Sau khi lễ tổ bọn học trò lớn ra, bọn nhỏ vào; hết lượt, cả bọn trở xuống nhà học xin phép quan Hoàng giáp đem trầu đến chúc thọ cụ Cố (thân sinh của Thầy). Thấy cụ Cố đang ngồi trên giường, học trò bước cả vào, quỳ lạy hai lạy, cùng nói: “Học trò chúng con năm mới gọi là đem đầu sang chúc mừng Cố sống lâu trăm tuổi, con cháu mỗi ngày một nhiều”. Cụ Cố cười đáp: “Quý hóa quá, lão cảm tạ các thầy. Lão cũng xin chúc các thầy văn hay chữ tốt, đỗ cao và làm quan to”. Học trò đáp lễ: “Chúng con xin bái tạ Cố”. Xong, cả bọn xin phép trở về nhà học.
Đạo lý ngày xưa
Bây giờ học trò chính thức đến lễ mừng tuổi quan Hoàng giáp (Thầy thi đỗ Hoàng giáp từng ra làm quan). Tất cả học trò, người đã làm quan cũng như người chưa thành đạt, đứng thành ba hàng trên dưới, quỳ xuống. Quan Hoàng giáp ngồi trên giường nói: “Thầy miễn lễ cho các anh”. Học trò vẫn quỳ, một người ở hàng đầu lên tiếng thay mặt cả bọn: “Thưa Thầy, nhân lúc cảnh đẹp, Xuân vui, anh em chúng con đem đầu lại bái chúc Thầy tuổi thọ thêm cao, tinh thần thêm sáng, văn chương thêm chói, đạo đức thêm thịnh để giắt díu chúng con theo Thánh đạo.
Thầy mãi mãi như núi Thái sơn, sao Bắc đẩu, đời đời không mất”. Quan Hoàng giáp (Thầy) đáp: “Năm mới Xuân tươi, ta cũng chúc tất cả các anh ai cũng giữ được cái chí và cái đức. Người đỗ rồi thì phải biết làm sáng đạo Thánh và chính lòng người. Kẻ chưa có duyên với trường ốc phải biết phấn chí học hành, cố noi giữ đạo Tu, Tề, Trị, Bình. Ai ai cũng phải giữ khí tiết nhà Nho, đừng làm mảy may điều gì trái đạo, nhục cho cả sĩ lâm. Thế là Thầy mừng”.
Sau khi đã làm lễ Thầy xong, Chu Thiên kể chuyện học trò đến chúc Tết vợ của Thầy như sau: “Học trò đứng lên xin phép xuống mừng tuổi hai Cô (2 người vợ Thầy). Quan Hoàng giáp ngần ngừ rồi cho đi. Hai bà thấy học trò qua sân, xuống nhà dưới, vội ra đứng ở cửa đón chào. Bà hai bưng cơi trầu ra mời mỗi người một miếng, bà cả nói: – Năm mới, chào các anh, các anh không phải lễ lạy gì cả, đến mừng tuổi Thầy là đủ. Chị em chúng tôi đa tạ các anh, mời các anh lên chơi nhà trên, ăn bánh với Thầy”. Học trò chào hai bà, trở về nhà học.
Đọc tác phẩm “Bút nghiên” của Chu Thiên, người ta biết rằng thời Nho học còn hưng thịnh (thế kỷ thứ XVII trở về trước), đã có thông lệ vào mồng ba là ngày học trò nơi nơi đi Tết Thầy. Thầy đón chào vui vẻ, tiếp đãi học trò rất thân mật; tuy nhiên vẫn giữ gìn sự nghiêm trang. Đối với học trò, trong thành phần tham gia đi Tết Thầy không phân biệt người đã đỗ đạt, ra làm quan lớn hay người lận đận hỏng thi, chưa thành đạt. Tác giả viết: “… năm nào quan Hoàng giáp cũng tiếp đãi học trò ngày đầu xuân rất vui vẻ. Năm nào cũng định một cuộc vui chung khác nhau. Có khi ngài ra một bài thơ để họa vần, có khi bắt mỗi người vịnh một thứ hoa để bói, có khi bầy cuộc xướng họa, có khi ra câu đối để thử tài. Thường thì ngài chỉ cho uống chè Tầu, ăn bánh, ăn cơm, ít khi cho uống rượu”.
Ngày nay giở lại chuyện Tết Thầy không khỏi luyến tiếc, bâng khuâng đạo lý Thầy trò tốt đẹp của một thời quá vãng.
Theo Giáo dục và Thời đại