Những người con Phú Yên từng tập kết ra Bắc học tập, chiến đấu, từng vinh dự được gặp Bác Hồ, được đứng trên Quảng trường Ba Đình trong ngày 2.9 đều có chung những cảm xúc khó tả.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh (bên trái) kể chuyện tham gia lễ duyệt binh năm 1960 cho phóng viên nghe. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Những ngày này, hòa chung niềm vui của người dân cả nước hân hoan chào đón mùa thu cách mạng, mừng Tết Độc lập, những người con Phú Yên từng tập kết ra Bắc học tập, chiến đấu, từng vinh dự được gặp Bác Hồ, được đứng trên Quảng trường Ba Đình trong ngày 2.9 đều có chung những cảm xúc khó tả.
Với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh (sinh năm 1934, hiện ở phường 3, TP Tuy Hòa, Phú Yên), ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 không bao giờ quên.
Theo dòng hồi tưởng của ông, Cách mạng Tháng Tám nổ ra trên khắp cả nước, khi đó, ông mới 11 tuổi, còn là một học sinh. Mặc dù chưa hiểu biết nhiều về cách mạng nhưng thấy dòng người đi diễu hành đòi chính quyền, bắt bọn tay sai, cậu bé Thạnh cứ thế đi theo.
Sau này hiểu biết hơn, cậu luôn ước muốn được tham gia cách mạng. Năm 16 tuổi, Thạnh nhập ngũ với nhiệm vụ viết những bản tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Điều này khiến chàng thanh niên ấy càng hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng.
Năm 1954, Hồ Đắc Thạnh 20 tuổi, được tập kết ra Bắc và được cử đi học sĩ quan hải quân nhân dân Việt Nam. Bắt đầu từ đây, Hồ Đắc Thạnh chính thức theo nghiệp binh, trở thành sĩ quan, rồi Thuyền trưởng Tàu không số... Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với các chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô.
Điều mà Anh hùng Hồ Đắc Thạnh thấy vinh dự, tự hào khi còn là học viên sỹ quan là vào năm 1960, ông được chọn tham gia đội hình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh.
Nhắc lại kỷ niệm về lần được tham gia diễu binh mừng ngày Quốc khánh 2.9 của dân tộc, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh vẫn rưng rưng. Ông xúc động chia sẻ niềm tự hào khi nhận được nhiệm vụ tham gia đội hình diễu binh của hải quân nhân dân Việt Nam.
Khi ấy, ông đã cùng đồng đội ra sức rèn luyện, tập duyệt trong 3 tháng. Trong khoảng thời gian này, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước liên tục đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ. Điều này làm cho ông cùng những cán bộ chiến sĩ trẻ khi ấy thêm phấn chấn và vinh dự.
Đúng vào ngày 2.9, tại Quảng trường Ba Đình, Lễ diễu binh diễn ra. Khung cảnh xung quanh trang nghiêm mà lộng lẫy cờ hoa. Tiếng quân nhạc âm vang, hùng tráng. Các lực lượng tham gia buổi lễ hô vang: Việt Nam muôn năm! Ông Thạnh được xếp đứng hàng thứ 3 trong đội hình của lực lượng sỹ quan hải quân nhân dân Việt Nam.
“Khi đi qua lễ đài, chào Đoàn Chủ tịch, trong đó có Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi cảm thấy rất tự hào. Thời khắc ấy không bao giờ tôi quên được trong cuộc đời mình,” ông tâm sự.
Với già làng Ma Doanh (dân tộc Ê Đê, thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), dù đã hơn 88 tuổi đời, nhưng ký ức về lần gặp Bác Hồ và những ngày mùa thu tháng tám vẫn còn in đậm trong tâm trí.
Năm 17 tuổi, Ma Doanh (tên thật là Kso Y Bứ, sinh năm 1932) đã trở thành chiến sĩ giao liên gan dạ và mưu trí, trợ giúp các lực lượng tham gia chiến đấu tại vùng miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Năm 1954, Ma Doanh được chọn tập kết ra miền Bắc học văn hóa, huấn luyện quân sự và dân vận để sẵn sàng trở về tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngay khi tập kết ra Bắc, Ma Doanh đã vinh dự được nhìn thấy Bác Hồ khi Người đọc diễn văn trong Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 tại Quảng trường Ba Đình.
Già làng Ma Doanh nhớ lại và kể rất hào hứng: "Hôm ấy, nghe tin có Bác Hồ dự lễ, chúng tôi ai cũng háo hức để được nhìn thấy Người. Dù chỉ được nhìn thấy Bác ở trên cao nhưng đó cũng là điều khó quên trong cuộc đời già. Già nhớ lúc đấy mọi người đổ về Quảng trường Ba Đình ngày một đông với hoa và cờ Tổ quốc trên tay. Những bộ đội mới tập kết ra Bắc đang đứng dưới lễ đài, ai cũng háo hức, muốn nhìn Bác được gần hơn. Trong số những người cùng đi với già còn có các cán bộ là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tất cả cùng hô vang 'Hồ Chủ tịch muôn năm!' và vẫy cao cờ đỏ sao vàng."
“Đời già cảm thấy hạnh phúc, tự hào nhất là được thấy Bác Hồ; được đứng giữa Quảng trường Ba Đình trong ngày mừng đất nước độc lập khi từ Nam ra Bắc. Đặc biệt là năm 1961, anh lính Ma Doanh đang huấn luyện ở Trung đoàn 120, đóng quân tại Nam Đàn, Nghệ An được gặp Bác Hồ khi Người về thăm quê. Bác đến đơn vị bắt tay từng chiến sỹ. Khi đến vị trí đứng của già, Bác Hồ dừng lại, vỗ vai và động viên 'Chú gắng học tập, rèn giũa để nay mai về lại miền Nam góp sức đánh giặc.' Anh chiến sỹ Ma Doanh nhìn Bác Hồ rưng rưng và chỉ nói được đúng một từ 'Dạ!' Giây phút đó mình tự hứa sẽ mãi khắc ghi lời Bác dạy, nguyện tin theo Đảng, theo Bác đến cùng và nhắc nhở con cháu các dân tộc anh em đoàn kết xây dựng quê hương,” già Ma Doanh bồi hồi.
Cùng với Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, già làng Ma Doanh, những ấn tượng về Tết Độc lập 75 năm trước sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm những người con đất Việt yêu nước, tự hào dân tộc và được truyền lại cho các thế hệ mai sau để xây dựng nên một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác dặn.
Theo TTXVN