Năm nay, mẹ tôi đã 102 tuổi, nhưng bà cụ vẫn ở quê với cây cối, vườn tược, lợn gà.
Chợ quê ngày Tết luôn đông vui, nhộn nhịp
Các con đều có nhà cao cửa rộng ở thành phố cả. Nhưng mẹ không ra ở phố. Bà cụ không chịu nổi sự ồn ào, phồn tạp của phố phường. Cụ bảo: "Dân thành phố nó chẳng có tình cảm gì cả. Gặp nhau chẳng chào. Nhà bên này có người chết. Nhà dãy đằng kia vẫn mở nhạc xập xình. Thế thì sống sao nổi hả giời?".
Cụ lại còn bảo: "Tao sinh ra ở đây, sống ở đây thì cũng chết ở đây thôi. Tao đi thì cây cối nó ở với ai?". Mẹ không ra phố mà mấy anh em cũng không thể về quê ở được nên bà chị gái phải trụ lại ở quê để chăm sóc mẹ già. Dù bận bịu công việc đến đâu, tháng nào tôi cũng về quê. Rồi Tết nào cũng về.
Căn nhà của những gia đình nông dân đồng bằng Bắc bộ thường rất giống nhau, dẫu số phận họ khác nhau, sự giàu nghèo cũng rất khác nhau. Dù tường đất mái gianh hay tường xây mái ngói hoặc nhà bê tông mái bằng thì cũng thường chỉ có ba gian. Ca dao xưa "Ba gian nhà rạ loà xoà". Rồi Nguyễn Bính "Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều". Tôi thuở oắt con cũng "Ba gian nhà nhỏ - Đầy tiếng võng kêu".
Trong ba gian nhà ấy, gian giữa là quan trọng nhất. Đó là gian thờ tổ tiên, cũng là gian dùng để "đối ngoại". Tất cả những gì sang trọng nhất của cả gia đình, thậm chí của cả dòng họ đều được trưng ra ở đây: Bảng gia đình vẻ vang, Bằng Tổ quốc ghi công; rồi giấy khen, bằng khen, huân chương, huy chương, rồi hoành phi, câu đối; rồi tủ chè, tủ gương. Sau ô kính tủ là những bộ cốc pha lê, những vỏ chai rượu tây được sưu tầm ở rất nhiều nơi. Vỏ chai cũng thành vật trang trí. Bởi đó là những đồ ngoại đắt tiền. Trông rõ ra là một gia đình giàu có, vương giả.
Nhưng đó là cái giàu ảo, cái sang ảo, chỉ phô ra, khoe với thiên hạ. Còn đời sống thực của cả gia đình lại chìm khuất ở gian bên. Đó là gian buồng quanh năm tối mò. Ở đấy lỉnh kỉnh những âu muối, lọ mắm, rồi chum khoai, vại gạo, rồi những tấm áo tã, vắt trên cây sào treo bên tường. Mùi ẩm mốc. Mùi của trăm thứ lưu cữu. Chịu không thể phân biệt được một cách rạch ròi. Chỉ biết nó là mùi của sự sống thực.
Tết đến cũng thế. Tết ở ngoài sân, ở gian ngoài, chứ nơi này thì quanh năm vẫn âm u thế. Căn nhà tôi cũng vậy. Thuở xưa là ba gian nhà mái rạ. Nó cũng hao hao như nhà anh Pha, chị Dậu. Năm 1972, bố mẹ tôi mới dựng được thành nhà ngói ba gian. Căn nhà chỉ xây bằng mỗi một bao xi măng trộn với vôi cát. Vậy mà không hiểu sao, nó vẫn tồn tại được đến bây giờ.
Ngày xưa, khi tôi còn là một cậu bé, những ngày Tết rậm rịch lắm. Cả nhà chuẩn bị lá dong, gạo nếp trước đó đến mấy ngày. Rồi gói bánh, luộc bánh, thức suốt đêm, chờ ăn miếng bánh chưng đầu tiên. Giây phút ấy sướng lắm. Người bận nhất nhà vào dịp Tết là mẹ tôi. Chiều 29 Tết, mẹ tôi thường pha một thùng nước vôi, buộc túm ngọn chổi rơm lại, rồi bảo tôi ra quét vào các gốc cây.
Tôi rất ngạc nhiên. Mẹ tôi bảo: "Để sắm áo mới cho cây cối. Ngày Tết, mình mặc áo mới thì cây cối nó cũng được mặc áo mới chứ". Thế là tôi ra vườn, lọ mọ quét nước vôi lên từng gốc cây. Cây bưởi, cây dừa, cây cau, cây na, cây mít. Sáng mồng Một, đúng ngày đầu năm mới, nước vôi khô, cả khu vườn nhà tôi sáng rực lên, tưng bừng trong màu trắng đồng phục của cây cối.
Bữa cỗ tân xuân, mẹ tôi cũng lại sẻ thức ăn, chia làm nhiều phần. Phần nào cũng có đầy đủ các món, xôi, chè, thịt, miến, dưa hành... rồi bảo tôi cho gà, lợn, chó, mèo cùng ăn. Người ăn món gì thì những con vật nuôi trong nhà cũng được ăn những thứ ấy. Mẹ bảo: "Mình có Tết, chúng nó cũng phải có Tết chứ!".
Một tối, mẹ bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to ngọn đèn, để cây trầu nhận ra chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái, phải nói: "Trẩu trẩu trầu trầu. Mày làm chúa tao. Tao làm chúa mày. Tao không hái ngày. Thì tao hái đêm. Tỉnh dậy cho tao hái". Ngày xưa, mẹ hái trầu đêm, bà tôi cũng dặn thế. Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi. Tôi chẳng biết đấy có phải là ca dao không hay chỉ là câu vè mẹ chợt nghĩ ra để dạy tôi thôi, vì trong kho tàng ca dao, không có mấy câu ấy.
Khi bà ngoại mất, mẹ xé chiếc khăn tang ra thành hàng trăm mảnh nhỏ: "Con hãy ra đeo tang cho cây cối đi, không cây nó héo lụi mất. Bà mất rồi. Con thấy cây cối nó có buồn không?". Thế là tôi lại ra vườn, lụi cụi đeo tang cho từng cây trầu, cây cau, cây na... Cả khu vườn nhà tôi cũng lại trắng xoá một màu tang tóc.
Có lần, chiều 29 Tết tôi về, thấy cây cối trong khu vườn nhà tôi đã trắng xoá một màu đồng phục mới. Tết như Tết năm nảo năm nào. Tôi ngạc nhiên quá, vì nhà tôi không còn trẻ con nữa. Các cháu nội ngoại của bố mẹ tôi cũng đều đi học xa, rồi theo nhau ra thành phố ở cả. Mẹ tôi cười: "Mẹ quét hôm qua đấy. Quét thế cho cái vườn nó ấm. Nhà mình cũng ấm. Như các con vẫn còn bé tí, vẫn lăng xăng ríu rít ở nhà".
Trong con mắt tôi, cây cối, trâu bò, gà lợn, chó mèo cũng có niềm vui, nỗi buồn như những con người. Tình cảm ấy, tôi tiếp nhận được từ mẹ. Tiếp nhận rất tự nhiên và nói ra cũng rất tự nhiên. Lúc ấy, tôi hoàn toàn không biết đó là thủ pháp nhân hoá trong nghệ thuật. Mẹ tôi cũng không có ý định dạy tôi làm nghệ thuật. Vì bà chưa từng được cắp sách đến lớp ngày nào. Mãi sau này, tôi mới hiểu mẹ tôi. Đó là khi các anh chị tôi có con. Mẹ dặn: "Chúng mày phải dạy trẻ con yêu thiên nhiên, yêu cây cối và các con vật trong nhà. Một đứa trẻ bẻ ngọn cây non mới trồng, bắn chết con chim đang bay, hay phang gãy chân con gà, con chó thì rồi sau này lớn lên, chúng nó cũng sẽ làm điều ác đối với con người".
TRẦN ĐĂNG KHOA