Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, những cái tên đậm chất phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Giày, Đông Thị... của Thành Đông xưa đến nay không còn...
Ngã tư Đông Thị vẫn sầm uất như xưa. Ảnh: TC
Phố cũ, nếp xưaMột thời, trung tâm dân cư đông đúc ở TP Hải Dương kéo dài từ Quảng trường Độc Lập đến phố Tam Giang. Nhìn vào tên các con phố có thể thấy được bề dày lịch sử, văn hiến nơi đây. Đó là các con phố buôn bán mang tính phường hội nghề nghiệp như Hàng Giày, Hàng Bạc, Hàng Đồng, Hàng Lọng. Có 8 con phố bắt đầu bằng chữ Đông là Đông Thị, Đông Quan, Đông Mỹ, Đông Kiều, Đông Môn, Đông Giàng, Đông Hòa, Đông Thuần. Số còn lại được đặt tên theo nhiều cách như Bến Bè, Nhà Chung, Nhà Thờ, Vệ Phúc… Đây là những con phố cổ nhất, được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XIX.
Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, con phố duy nhất của TP Hải Dương không hề đổi tên là phố Nhà Thờ.
|
Việc hình thành các con phố phường hội có tính chất nghề nghiệp của Thành Đông xưa là do khu đô thị cổ này tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành những phố nghề đặc trưng: Hàng Lọng phục vụ nhu cầu lễ hội, đỗ đạt vinh quy bái tổ; Hàng Đồng chuyên kinh doanh mâm, nồi, thau, đỉnh và các đồ tế tự bằng đồng... Các con phố được đặt tên bắt đầu bằng chữ Đông do đây là những tuyến phố của Thành Đông, mỗi phố đều có đặc trưng riêng của mình. Đông Kiều là cây cầu phía đông của thành phố. Trước khi hình thành nên khu dân cư đông đúc, Thành Đông là một trung tâm hành chính có hào sâu bảo vệ. Muốn ra vào Thành Đông phải qua bốn cây cầu gọi là Đông Kiều, Tây Kiều, Nam Kiều và Bắc Kiều. Đến nay, chỉ còn di tích của cây cầu phía bắc (Bắc Kiều) nằm trên đường Chi Lăng. Phố Đông Mỹ thuộc giáp Đông Mỹ (giáp là một đơn vị hành chính, có thể hiểu tương đương với phường ngày nay), hiện ở liền sau chợ Phú Yên. Người dân ở đây sống bằng nghề buôn bán, vì vậy các cô gái ở phố này rất đảm đang và thanh lịch, từ đó lưu truyền câu ca "Đẹp như gái Đông Mỹ". Phố Đông Giàng là đoạn từ ngã tư Phạm Hồng Thái - Quang Trung ngày nay kéo dài đến trường Nam tiểu học (hiện là Trường Tiểu học Tô Hiệu). Phố này được thiết kế song song với việc phá Thành Đông năm 1897 và di chuyển các cơ quan đầu não của Nam triều ra đây. Ngay giữa phố Đông Giàng là dinh Tổng đốc cũ, nay là trụ sở UBND tỉnh. Đối diện với dinh Tổng đốc là dinh Án sát nay là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Gần đó là dinh Thương tá nay là Sở Y tế. Về cuối phố là dinh Đốc học, nay là Sở Giáo dục và Đào tạo. Đại bộ phận quan lại đầu tỉnh của Nam triều đều tập trung ở phố này nên có giả thiết cho rằng đây là trung tâm chính trị của Hải Dương xưa. Đây còn là con phố của những trường học. Ngay từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã cho xây ngôi trường Nam tiểu học gồm hai dãy nhà đối diện nhau, mỗi dãy ba phòng học, sau đó trường được xây thêm ba phòng học nữa ở phía trong. Đây là trường tiểu học hoàn chỉnh duy nhất của cả tỉnh ở thời điểm đó, có từ lớp nhất đến lớp năm. Đây cũng là nơi ghi dấu của những chiến sĩ cách mạng kiên cường như Tô Hiệu, Đỗ Ngọc Du, hay các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Thâm Tâm, Thạch Lam...
Nhắc đến phố cổ ở Thành Đông thì không thể bỏ qua phố Đông Thị và ngã tư Đông Thị. Ngã tư Đông Thị tạo thành bởi đại lộ Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung, Nguyễn Du ngày nay. Phố Đông Thị kéo dài từ ngã tư Đông Thị đến ngã tư Phạm Hồng Thái - Quang Trung. Thời xưa, con phố này có đủ loại mặt hàng cần thiết cho đời sống thị thành. Chen chúc giữa các cửa hàng tạp hóa là nhiều cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng như Cự Hương, Bảo Hiên, Rồng Vàng. Tiếp đến là các hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm cỡ lớn. Đây cũng là nơi có rạp tuồng Đông Thị, là rạp tuồng duy nhất của Hải Dương xưa. Cạnh đó là nhà ăn lớn cùng quán phở Hậu ngon nổi tiếng. Tính chất buôn bán thể hiện ngay ở tên gọi Đông Thị, nghĩa là chợ của tỉnh Đông. Đây là trung tâm thương nghiệp, dịch vụ, vui chơi, giải trí của người Hải Dương xưa.
Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, con phố duy nhất của TP Hải Dương không hề đổi tên là phố Nhà Thờ. Phố Nhà Thờ hiện nằm trên địa bàn phường Quang Trung, đi từ đại lộ Trần Hưng Đạo tới phố Phạm Hồng Thái. Thời Pháp thuộc, phố mang tên Rue de l' Ésglise. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến nay phố này mang tên là phố Nhà Thờ.
Đổi mới và phát triểnTừ vài chục con phố hình thành cách đây hơn trăm năm, đến nay TP Hải Dương đã có 301 đường, phố, đại lộ, quảng trường, công trình công cộng. Tên các con phố cũng dần thay đổi theo các thời kỳ. Thời Pháp thuộc, người Pháp dịch tên các con phố cổ sang tiếng Pháp, đổi tên phố, xây dựng và đặt tên các con phố mới. Những năm 1946-1954, một số phố được lấy lại tên cổ của mình. Từ năm 1960, khi tỉnh Hải Dương kết nghĩa với tỉnh Phú Yên, những phố nghề của Thành Đông xưa đổi thành tên các địa danh của tỉnh này như phố Hàng Bạc đổi thành Xuân Đài, phố Hàng Đồng đổi thành Đồng Xuân, phố Hàng Lọng đổi thành phố Tuy An, phố Hàng Giầy đổi là Sơn Hòa. Phố Đông Mỹ hiện nay là phố Bùi Thị Cúc, vẫn giữ nếp buôn bán xưa.
Sau nhiều thời kỳ xây dựng và phát triển, các đường, phố mới đã mọc lên khắp thành phố. Do nhu cầu đặt tên nhiều tuyến phố mới, UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Hội đồng đã tham mưu ngân hàng tên đường, phố và được UBND tỉnh phê duyệt. Đầu năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định đặt tên cho 20 phố và 1 công trình công cộng của TP Hải Dương. Dự kiến tháng 11 năm nay, việc gắn tên biển tại các con phố mới trên địa bàn thành phố được hoàn thành.
Thành Đông được xây dựng vào năm 1804, là một trung tâm hành chính quân sự, chưa có dân cư. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của quan lại, binh lính và người nhà họ, nhiều người buôn bán, thợ thủ công đã tụ tập về các khu vực gần Thành Đông để làm ăn, sinh sống. Từ đó hình thành trung tâm dân cư đông đúc tên là Đông Kiều phố và bắt đầu hình thành nên những phố nghề, phố bắt đầu bằng chữ Đông. Năm 1883, người Pháp đánh chiếm Thành Đông. Năm 1892, người Pháp lần đầu tiên xác lập địa giới hành chính đô thị Hải Dương, duy trì đến năm 1923, thời điểm chính thức thành lập thành phố Hải Dương. Năm 1927, đô thị Hải Dương có 35 con phố. Hiện nay, TP Hải Dương có 301 đường, phố, đại lộ, quảng trường, công trình công cộng.
|
VIỆT QUỲNH