Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ làm rõ điều gì đã xảy ra, bao gồm vị trí xảy ra va chạm, "vật thể lạ" mà tàu ngầm đã đụng phải là gì. Bắc Kinh cũng chỉ trích Washington "gây rối ở Biển Đông dưới mác tự do hàng hải".
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc
"Với tư cách là bên liên quan, Mỹ cần làm rõ chi tiết cụ thể những gì đã xảy ra, bao gồm vị trí chính xác nơi xảy ra sự việc, ý định điều hướng, các diễn biến chi tiết, vật thể mà tàu ngầm đã đụng phải, liệu vụ va chạm có gây rò rỉ hạt nhân hay tổn hại môi trường biển hay không", phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Trung Quốc nêu một loạt yêu cầu trong cuộc họp báo ngày 8.10.
Trước đó cùng ngày, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận tàu ngầm USS Connecticut đã va chạm với một vật thể "khi đang lặn trong vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ USS Connecticut gặp sự cố ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã ra sức xây dựng mạng lưới khổng lồ các cảm biến giám sát đáy biển.
Sự việc xảy ra ngày 2.10, nhưng đến ngày 8.10 mới được thông báo với lý do an ninh. Phía Mỹ xác nhận có người bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng, cấu trúc tàu ngầm và lò phản ứng hạt nhân trên tàu vẫn an toàn.
Theo ông Triệu Lập Kiên, nguyên nhân sâu xa của vụ va chạm lần này là do Mỹ "gây rối ở Biển Đông dưới mác tự do hàng hải" khiến hòa bình và ổn định của khu vực "bị đe dọa nghiêm trọng".
"Mỹ đã cố tình che đậy chi tiết cụ thể của vụ việc mà không có sự minh bạch hay thể hiện trách nhiệm. Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông không thể không đặt câu hỏi điều gì đã thực sự xảy ra và ý định của Mỹ là gì", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận.
Ông này kế đó nhắc lại cơ chế hợp tác an ninh AUKUS mà Mỹ vừa thiết lập với Anh và Úc giúp nâng cao đáng kể sức mạnh răn đe của Canberra tại khu vực. Theo cơ chế này, Úc sẽ có 8 tàu ngầm hạt nhân dưới sự trợ giúp từ Mỹ và Anh, cho phép triển khai các chuyến tuần tra bí mật và dài ngày.
"Điều này chắc chắn sẽ tạo ra nguy cơ phổ biến hạt nhân, châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và làm suy yếu các nỗ lực thiết lập một khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á. Khả năng xảy ra sự cố hạt nhân cũng sẽ tăng lên đáng kể", ông Triệu nêu viễn cảnh và kêu gọi Mỹ từ bỏ tư tưởng chiến tranh lạnh, "chấm dứt các hành vi sai lầm phá hoại hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực".
Sau khi công bố AUKUS, chính quyền Úc khẳng định nước này chỉ muốn sở hữu các tàu ngầm có động cơ đẩy hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, khác với sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong cuộc họp báo ngày 23.9, khi được hỏi về điều này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: ''Quan điểm của chúng tôi về phát triển năng lượng nguyên tử, như hạt nhân, phải vì mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước. Việc sử dụng và phát triển năng lượng nguyên tử và hạt nhân phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người cũng như môi trường''. |
Theo Tuổi trẻ