Theo thông báo ngày 29/2 của Intuitive Machines, tàu đổ bộ Odysseus do công ty này vận hành sắp ngừng hoạt động sau cú hạ cánh "không hoàn hảo" xuống bề mặt Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ Odysseus (không mang theo phi hành đoàn) đã hạ cánh xuống Cực Nam Mặt Trăng ngày 22/2 vừa qua, qua đó trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng sau hơn 50 năm.
Theo Intuitive Machines, báo cáo phân tích dữ liệu của các kỹ sư giám sát chuyến bay cho thấy mặc dù Odysseus đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng nhưng cú hạ cánh không hoàn hảo khi 1 trong 6 chân hạ cánh của tàu vũ trụ đã bị vấp trên bề mặt không bằng phẳng của Mặt Trăng và do đó bị lật nghiêng sang một bên. Điều này đã cản trở nhiều hoạt động của tàu, gồm ảnh hưởng đến khả năng duy trì liên lạc với phòng điều khiển tại Trái Đất và bộ sạc năng lượng Mặt Trời.
Theo thông báo ngày 27/2 của Intuitive Machines, pin của tàu có thể sẽ tiếp tục hoạt động trong 10 - 20 giờ nữa, kể từ thời điểm thông báo.
Trước đó, Intuitive Machines và khách hàng lớn nhất của công ty này là Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ước tính rằng tàu Odysseus sẽ hoạt động trong vòng 7 - 10 ngày trên Mặt Trăng.
Trong một thông báo ngày 23/2, một quan chức của Intuitive Machines cho biết lỗi của con người đã dẫn đến sự cố trong hệ thống dẫn đường bằng laser trước khi tàu này hạ cánh vào ngày 22/2 vừa qua.
Tàu đổ bộ Odysseus đã được phóng vào không gian ngày 15/2 bằng tên lửa Falcon 9 do công ty SpaceX chế tạo. Đây là sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng thứ 2 do một đơn vị tư nhân Mỹ thực hiện, sau khi sứ mệnh đầu tiên đã thất bại. Intuitive Machines cho biết công ty này đã chi khoảng 100 triệu USD cho tàu đổ bộ, đồng thời nhận được 118 triệu USD từ NASA theo thỏa thuận hợp tác song phương.
Tàu đổ bộ Odysseus mang các thiết bị khoa học của NASA cùng nhiều hàng hóa thương mại khác lên Mặt Trăng.
Lần gần nhất Mỹ thực hiện sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng là tháng 12/1972, với chuyến bay của Apollo 17. Đây cũng là sứ mệnh cuối cùng trong Chương trình Apollo mà nước này triển khai.