Ngày 29-5, Quốc hội (QH) dành buổi sáng của ngày làm việc thứ 9 để thảo luận tại tổ về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Dạy nghề (sửa đổi).
Hàng trăm tỷ đồng BHXH cho vay thành nợ quá hạn
Thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu nhất trí với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện như trong dự thảo. Về việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động, nhiều ý kiến không tán thành, cho rằng nên giữ nguyên như quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành. Theo đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương), cần phân nhóm đối tượng đóng BHXH và tính toán mức đóng, mức hưởng BHXH hợp lý, tránh tình trạng người lao động chọn nhận BHXH “một lần” thay vì nhận lương hưu.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) góp ý vào dự thảo Luật Dạy nghề (sửa đổi)
Về xử lý vi phạm Luật BHXH, một số đại biểu cho rằng, nếu chỉ áp dụng mức tăng lãi suất nợ BHXH như hiện nay sẽ không đủ sức răn đe. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa Vũng Tàu) đặt vấn đề, việc ủy quyền cho ngành bảo hiểm thanh tra, xử lý vi phạm Luật BHXH là không phù hợp vì đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu việc xử lý có khiếu kiện thì ai sẽ là người giải quyết, người ủy quyền hay người được ủy quyền?”, đại biểu Tuyết nói. Cũng theo đại biểu Tuyết, việc này vẫn nên giao cho ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH), nếu cần thì bổ sung lực lượng thanh tra chuyên ngành về BHXH cho Bộ LĐTBXH. Không đồng tình với quan điểm của đại biểu Tuyết, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng, BHXH làm công tác thanh tra, tuy vướng về pháp lý nhưng nếu có lợi cho dân thì vẫn nên làm.
Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương):
Chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu
Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu của các lao động, nhất là cán bộ, công chức nhà nước ngay tại thời điểm này có thể giải quyết được tạm thời nguy cơ vỡ quỹ BHXH nhưng lại làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước. Hơn nữa, nước ta đang trong cơ cấu dân số vàng, nhiều lao động trẻ có trình độ chuyên môn tốt sẽ không được huy động, tình trạng thất nghiệp không được giải quyết. Vì vậy chưa nên áp dụng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu ở thời điểm này. Một điểm nữa cần quan tâm là việc đưa đối tượng được hưởng sinh hoạt phí (học sinh, sinh viên các trường của quân đội, công an) vào đối tượng được đóng BHXH và tính thời gian đóng BHXH từ bắt đầu khi vào trường học là bất hợp lý. Thứ nhất, vì những đối tượng này chưa có lương, nếu tính mức lương bình quân để nhận lương hưu là toàn bộ thời gian đóng BHXH thì lương hưu của các đối tượng này sẽ thấp. Thứ hai, sẽ nảy sinh việc cùng làm một công việc ở cùng một đơn vị nhưng do được đào tạo ở các trường khác nhau (ví dụ trong và ngoài quân đội) nên sẽ có người được tính bảo hiểm ngay từ thời điểm mới đi học, có người lại mất 5-6 năm không được tính bảo hiểm... |
Lý giải về quy định này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu sau dự thảo lần đầu, Ủy ban Thường vụ QH đã giao Chính phủ tăng trách nhiệm cho BHXH trong việc xử lý nợ đọng BHXH. Nếu được giao trách nhiệm này, ngành sẽ cố gắng hết sức, cùng với thanh tra các ngành LĐTBXH, tài chính và cả Thanh tra Chính phủ để hoàn thành nhiệm vụ.
Về việc sử dụng quỹ BHXH để đầu tư, một số đại biểu cho rằng cần quy định rõ ai sẽ là người quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm nếu đầu tư không hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, với khoản nợ quá hạn (nợ gốc 787,5 tỷ đồng và nợ lãi 264,6 tỷ đồng) mà Công ty Cho thuê tài chính II còn nợ do Quỹ BHXH lấy tiền cho công ty này vay trước đây sẽ xử lý, thu hồi như thế nào? Tại kỳ họp này, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đã có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết xử lý thu hồi nợ quá hạn đối với khoản vay này.
Luật phải thể hiện được bước đột phá trong công tác dạy nghềTham gia vào dự thảo Luật Dạy nghề (sửa đổi), đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, dự thảo luật chưa thể hiện được bước đột phá trong công tác dạy nghề. Theo đại biểu Thăng, luật cần quy định rõ hơn đối với các cơ sở dạy nghề lồng ghép nhiều chức năng (như các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề các huyện sau khi sáp nhập). Luật cũng cần quy định cụ thể về chế độ chính sách của Nhà nước đối với việc tham gia dạy nghề của các doanh nghiệp, về việc cấp chứng chỉ cho lao động học nghề trong các doanh nghiệp. Cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch mạng lưới dạy nghề trong cả nước để có những chính sách tạo bước đột phá trong quản lý các cơ sở dạy nghề khi sửa đổi luật. Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) kiến nghị nên đổi tên luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp xếp lại toàn bộ hệ thống dạy nghề hiện nay, đưa các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề vào một mối để quản lý...
Nguồn thu ngân sách chưa ổn địnhBuổi chiều, QH thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012. Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn trong báo cáo quyết toán đánh giá về tình tình, nguyên nhân một số khoản chi cụ thể, được coi là then chốt như chi cho khoa học, công nghệ; các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu.
Một số ý kiến bày tỏ tán thành với quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Đại biểu Võ Thị Dung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, số tăng thu chủ yếu là thu từ dầu thô và các khoản thu về đất đai, đồng thời các khoản thu này cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng, thất thu thuế vẫn diễn ra nghiêm trọng, chưa được giải quyết căn cơ.
Một số ý kiến đề nghị QH, Chính phủ xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm thu chi ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm minh hơn các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh diễn biến bất lợi trên Biển Đông, càng cần phải chắt chiu ngân sách quốc gia...
PV - TTXVN