Hành vi la lối, gây rối trật tự công cộng, làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là vi phạm pháp luật.
Đồng chí Bùi Sỹ Hoàn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh
Thời gian qua, khi chưa đồng tình với một số chủ trương, quyết định của chính quyền các cấp, một số nhóm người dân đã tập trung tại trụ sở cơ quan tiếp dân và trụ sở một số cơ quan Đảng, Nhà nước để khiếu kiện, phản đối. Phóng viên Báo Hải Dương đã phóng vấn đồng chí Bùi Sỹ Hoàn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Xin hỏi việc khiếu kiện đông người như thế nào thì được coi là hợp pháp thưa đồng chí?
- Theo điểm d khoản 2 điều 7 Luật Tiếp công dân năm 2013, trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Khi đến nơi tiếp công dân, người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có quyền trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; được hướng dẫn, giải thích về nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình và các quyền khác theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, công dân cũng cần thực hiện các nghĩa vụ theo quy định như có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo của mình…
Về việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, điều 29 luật này quy định: Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trường hợp có từ 5-10 người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.
- Trong trường hợp có nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, phản ánh về một nội dung thì cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào?
- Điều 30 Luật Tiếp công dân quy định trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Trưởng Ban tiếp công dân có trách nhiệm trực tiếp tiếp hoặc cử người đại diện cho mình tiếp đại diện của những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để lắng nghe người đại diện trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các thông tin, tài liệu do họ cung cấp.
Trường hợp những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện viết thành văn bản hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc do người đại diện trình bày, đọc lại cho họ nghe và yêu cầu ký hoặc điểm chỉ để xác nhận.
Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân tiếp nhận, xem xét thụ lý để giải quyết và thông báo cho đại diện của những người khiếu nại, tố cáo về kết quả xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Việc người dân tụ tập đông người mang theo băng rôn, biểu ngữ gây ồn ào, thậm chí chửi bới, gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức có vi phạm pháp luật không? Nếu vi phạm thì bị xử lý như thế nào, thưa đồng chí?
- Điều 5 Nghị định 38/2005/NĐ-CP ngày 18.3.2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng xác định 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, có các hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, HĐND hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác; gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ; các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.
Như vậy hành vi la lối, gây rối trật tự công cộng, làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là vi phạm quy định nói trên. Việc xử lý đối với các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 2 điều 13 của nghị định. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của nghị định này và các quy định khác của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và tùy theo đối tượng vi phạm là tổ chức hay cá nhân mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Xin cảm ơn đồng chí!
HÀ NGA(thực hiện)