Nhiều địa phương đã từng bước đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Năm 2024, Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tập trung hoàn thiện thể chế tạo đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững.
Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất cũng tập trung nguồn lực để hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp gần nhất; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thành, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; tổ chức thực hiện “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 cấp quốc gia."
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường duy trì và phấn đấu cải thiện chỉ số hài lòng của người dân doanh nghiệp đối với thủ tục đất đai tăng 2-3%. Trong đó, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; chuẩn hóa các quy trình điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục thiết yếu về đăng ký cấp Giấy chứng nhận khi thực hiện các quyền.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, cho biết Cục sẽ hoàn thành Chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045; tổ chức kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết số 39/2021/QH15 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cục thành lập các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà…
Năm 2023, kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã từng bước đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, kết nối liên thông điện tử với các cơ quan có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, kê khai, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cả nước đã cấp được hơn 44 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đã cấp Giấy chứng nhận đạt trên 23,6 triệu ha, chiếm khoảng 97,6% diện tích cần cấp.
63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã; 34/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, liên thông giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với hệ thống một cửa điện tử của địa phương.
T.H (theo Vietnam+)