Đảng bộ tỉnh Hải Dương vững tin bước vào nhiệm kỳ mới với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra thi công công trình Trung tâm Văn hóa xứ Đông
Nhiệm kỳ 2015-2020 đánh dấu nhiều bước tiến vượt bậc của tỉnh Hải Dương trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kết quả đó phản ánh những nỗ lực vượt qua khó khăn, sự đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đồng thời tạo nền tảng để tỉnh hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Bước tiến mới về kinh tế - xã hội
5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Hải Dương đã phát huy tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,1%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng, đứng thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 19 trong toàn quốc. Quy mô kinh tế tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015, đứng thứ 11 trong cả nước. Thu ngân sách tăng nhanh, trung bình đạt 11,6%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, năm 2019, tổng thu ngân sách đã đạt trên 20.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Từ năm 2017, Hải Dương cũng là 1 trong 16 tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và đóng góp với ngân sách trung ương.
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tập trung thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ. Năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP (đầu nhiệm kỳ là 78%). Hải Dương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trở thành động lực chính của nền kinh tế. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư trên GRDP bình quân đạt 36,6%, vượt chỉ tiêu Đại hội. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước 5 năm qua đã tăng từ 80,6% (năm 2015) lên 89,4% (năm 2020); đặc biệt tăng mạnh ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (từ 18,7% lên 29,4%). Quy mô ngành công nghiệp năm 2020 gấp đôi năm 2015, bước đầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ, 38 cụm công nghiệp được thành lập thu hút nhiều dự án có quy mô khá, trong đó có 8 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy trên 68%. Trong nhiệm kỳ, Hải Dương đã thu hút một số tập đoàn lớn như T&T, Sungroup, FLC, TH True milk đến nghiên cứu đầu tư. Các dịch vụ phát triển đa dạng, từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, danh thắng của tỉnh...
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Cơ bản 100% các địa phương trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, vượt xa chỉ tiêu Đại hội XVI đề ra. Hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ. Diện mạo nông thôn thực sự khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao.
Cùng với xây dựng nông thôn mới, một dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ là công tác nâng cấp, phát triển đô thị được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh. TP Hải Dương được công nhận đô thị loại I, thị xã Chí Linh nâng cấp lên đô thị loại III, trở thành thành phố, huyện Kinh Môn thành thị xã và một số khu vực đã được công nhận là đô thị loại V.
Cầu Mây hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh
Tiếp tục thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông liên tỉnh, Hải Dương đã đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng... xây dựng hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Một loạt công trình, dự án mới được triển khai như cầu Triều, cầu Đông Mai, cầu Dinh, cầu Quang Thanh... đã mở ra cơ hội phát triển mới cho nhiều địa phương trong tỉnh. Các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh như đường trục Bắc - Nam tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 1; hạng mục Trung tâm Văn hóa xứ Đông và Quảng trường của khu hành chính tập trung tỉnh, đường 62 m kéo dài đến nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường dẫn phía bắc cầu Hàn; cầu Mây... được tập trung đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo động lực mới cho phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển toàn diện và đạt kết quả nổi bật. Hải Dương duy trì thành tích nằm trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về giáo dục, nổi bật là kết quả thực hiện phổ cập giáo dục và chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, nâng cao về chất lượng. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhanh chóng sàng lọc, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh có thêm 3 di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, gồm Văn miếu Mao Điền, cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia và quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương. Các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tỉnh thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đảng, nhà nước được đẩy mạnh gắn liền với cải cách thủ tục hành chính và triển khai khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh. Hệ thống "một cửa" điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý văn bản, thư điện tử công vụ... được triển khai thống nhất và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, 10% số lượng dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 từng bước nâng cao giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng. Công tác thanh tra, tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc. Công tác quốc phòng quân sự địa phương được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh, thành phố, hội nhập quốc tế được nâng cao và mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên quan tâm thực hiện, trong đó trọng tâm là việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Là tỉnh đi đầu cả nước về thực hiện tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, Hải Dương đã hoàn thành sắp xếp, sáp nhập 55 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 30 đơn vị; sáp nhập 305 thôn, khu dân cư, giảm 135 thôn, khu dân cư; sắp xếp giảm 142 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 3.696 chỉ tiêu biên chế và hơn 4.100 cán bộ không chuyên trách.
Với tinh thần kiên quyết, kiên trì, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn 3 công việc trọng tâm, mang tính đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc nêu gương, thực hiện nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kỷ cương kỷ luật được siết chặt. Công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực. Công tác dân vận có nhiều đổi mới. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh mang lại hiệu quả tích cực. Hằng năm có 78,3% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh (hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên).
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy bỏ phiếu giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và các chức danh lãnh đạo cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026
Công tác cán bộ được đổi mới, đồng bộ, bảo đảm nguyên tắc, đúng quy định, phát huy dân chủ. Công tác đánh giá cán bộ ngày càng hoàn thiện, từng bước đi vào thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; quan tâm đào tạo, bố trí cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
Nhiệm kỳ 2015-2020 cũng thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của cấp ủy các cấp, trước hết là của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy. Quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên được rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện theo hướng phát huy dân chủ trong Đảng, đi đôi với thực hiện nguyên tắc tập trung, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm. Các đồng chí cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy đã tích cực phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, làm tốt công tác dân vận; tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ các công việc. Trong công tác chỉ đạo xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Trong xây dựng chính quyền, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được đổi mới cả về nội dung và phương thức. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có bước tiến bộ, đạt kết quả thiết thực.
Phấn đấu thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Với kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh Hải Dương vững tin bước vào nhiệm kỳ mới với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tạo nền tảng để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đảng bộ tỉnh Hải Dương định hướng phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột: công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và nhiều yếu tố bất lợi khác ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, toàn Đảng bộ phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Trước mắt, chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19 để sớm hồi phục và lấy lại đà phát triển kinh tế. Khai thác và phát huy lợi thế của tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để Hải Dương tăng tốc, phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, kinh tế số nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Khuyến khích các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tăng nội lực của nền kinh tế. Đồng thời phải quan tâm đúng mức, tạo điều kiện và đồng hành với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đã đến Hải Dương nghiên cứu, thống nhất triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tập trung đầu tư xây dựng để TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Tập trung nguồn lực chỉnh trang các xã có điều kiện và vị trí thuận lợi là xã nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao theo hướng "phố trong làng". Đồng thời nâng cấp và phấn đấu xây dựng các đô thị mới để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao thể chất, phát huy bản sắc văn hóa con người xứ Đông. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với phát triển khoa học và công nghệ; từng bước hình thành “công dân điện tử” để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, chính sách bảo đảm an sinh xã hội, công tác giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và các địa phương của nước ngoài.
Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương sẽ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đề ra; xây dựng tỉnh Hải Dương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
KẾT QUẢ THỰC HIỆN 20 CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẠI HỘI XVI ĐỀ RA 1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,1%/năm (chỉ tiêu 8-8,5%/năm) 2. Cơ cấu kinh tế năm 2020: nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 9,7% - 59% - 31,3% (chỉ tiêu: 11%-56%-33%) 3. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người: 3.020 USD (chỉ tiêu 3.200USD); thu nhập bình quân đầu người: 52,7 triệu đồng (chỉ tiêu 55triệu đồng) 4. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với GRDP bình quân 5 năm: 36,6% (chỉ tiêu 32%) 5. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 164 triệu đồng/ha (chỉ tiêu 150 triệu đồng/ha) 6. Tốc độ tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu bình quân 5 năm: 11,9% (chỉ tiêu 15%) 7. Tốc độ tăng thu ngân sách nội địa bình quân 11,6% năm ( chỉ tiêu 10%/năm) 8. Cơ cấu lao động năm 2020: nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ: 25% - 45,5% - 29,5% (chỉ tiêu 27%-42%-31%) 9. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75%, trong đó có chứng chỉ đạt 24% (chỉ tiêu 75% số lao động qua đào tạo, trong đó có chứng chỉ 30%) 10. Chỉ số phát triển con người (HDI) đến năm 2020: 0,741 (chỉ tiêu 0,725) 11. Năm 2020, tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới 100% (chỉ tiêu trên 60%) 12. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020: 32,2% (chỉ tiêu 33-35%) 13. Năm 2020, tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia: 79,8% (chỉ tiêu 67%) 14. Năm 2020, số giường bệnh/ 1 vạn dân: 31,2; số bác sĩ/1 vạn dân: 9,3; (chỉ tiêu 30 và 9) 15. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2016-2020: 1,17%/năm (chỉ tiêu 1%) 16. Năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số: 90,5% (chỉ tiêu 87%) 17. Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đến năm 2020: 93,7% (chỉ tiêu 80%); tỷ lệ cơ quan văn hóa: 85% (chỉ tiêu 90%) 18. Năm 2020, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 100% (chỉ tiêu 100%); tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 99,8% (chỉ tiêu 90%); tỷ lệ chất thải y tế được xử lý: 100% (chỉ tiêu 95%); tỷ lệ rác thải nông thôn được thu gom, xử lý: 87% (chỉ tiêu 75%); tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý: 95% (chỉ tiêu 95%) 19. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh hằng năm: 78,3% (chỉ tiêu trên 75%); bình quân mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên mới (chỉ tiêu 2.500 đảng viên/năm) 20. Tỷ lệ tổ chức cơ sở của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đạt vững mạnh hằng năm: 91,9% (chỉ tiêu trên 80%) |
NGUYỄN MẠNH HIỂN
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh