Tảo mộ ngày cuối năm là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần đạo hiếu của người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về.
Người dân quét dọn khu mộ của gia đình mỗi dịp trước Tết Nguyên đán
Đã thành thông lệ, những ngày áp Tết, người dân khắp nơi trong tỉnh lại đi tảo mộ để "mời" tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất về nhà ăn Tết. Phong tục này có từ rất lâu đời, được các thế hệ người Việt gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trưa 22.1 (28 Tết), nghĩa trang thôn Tứ Kỳ Thượng ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) nghi ngút khói hương tỏa bay. Rất nhiều người dân trong thôn tấp nập rủ nhau xuống đây cắt cỏ, dọn vệ sinh, trồng hoa cúc trên các phần mộ và thắp hương cho tổ tiên, ông bà. Sau khi cùng các em, các cháu lau chùi những phần mộ của gia đình, chị Nguyễn Thị Thêu dâng vật phẩm gồm bánh, kẹo, rượu, thịt, thuốc lá, chè và hoa tươi, thắp hương thần linh xin phép cho vong linh tổ tiên, ông bà, bố mẹ và những người thân được về nhà ăn Tết.
"Từ nhỏ đã thấy ông bà, bố mẹ làm việc này mỗi khi Tết đến nên giờ chúng tôi phát huy thôi. Không biết mọi người cảm nhận thế nào nhưng riêng tôi cảm thấy làm việc này giúp tâm mình thanh thản, ấm lòng lắm", chị Thêu chia sẻ.
Không khí tảo mộ những ngày áp Tết tại nghĩa trang Cầu Cương - nghĩa trang lớn của TP Hải Dương diễn ra nhộn nhịp. Chiều 28 Tết, hàng trăm người cầm trên tay hoa tươi, quả ngọt, bánh kẹo... xuống khu mộ của gia đình thắp hương, mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ về ăn Tết. Chị Nguyễn Hồng Lĩnh ở phố Phạm Ngũ Lão nói: "Chúng tôi quán triệt trong toàn thể các anh, chị, em ruột là vào ngày này ít nhất mỗi gia đình phải cử một người xuống mộ thắp hương cho tổ tiên. Nhưng gần như nhà ai cũng đi đông đủ, cho cả trẻ em đi theo".
Nhiều cháu nhỏ cũng theo bố mẹ ra phần mộ của gia đình, dòng họ để tưởng nhớ những người đã khuất
Với nhiều người sinh sống, công tác xa quê lâu năm, việc đầu tiên khi trở lại quê nhà trong dịp Tết là đi tảo mộ. Anh Lê Đắc Hiếu (28 tuổi) và vợ ở thôn Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) đi xuất khẩu sang Đài Loan đã 3 năm. Tết này, vợ chồng anh mới có dịp trở lại Việt Nam thăm gia đình, người thân. "Sáng 28 Tết về đến quê là tôi ra phần mộ tổ tiên, ông bà dọn vệ sinh, thắp hương ngay. Tôi cho cả các cháu nhỏ theo để chúng hiểu được nét đẹp, ý nghĩa của việc tảo mộ ngày cuối năm để sau này phát huy", anh Hiếu nói.
Tảo mộ ngày cuối năm thể sự hiếu thảo của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Trước phần mộ tổ tiên, con cháu thành tâm tưởng nhớ tới công lao sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, cầu mong một năm mới có nhiều sức khỏe, bình an, may mắn.
Nhiều người tin rằng, phần mộ tổ tiên được chăm chút dịp này thì con cháu sẽ được phù hộ độ trì, cuộc sống bình an, công việc hanh thông, mọi việc đều thuận buồm xuôi gió trong năm mới.
TIẾN MẠNH