Y tế - Sức khỏe

Tạo đà phát triển bệnh viện tư

BÌNH MINH 27/08/2023 11:00

So với một số tỉnh lân cận, Hải Dương đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc phát triển các bệnh viện ngoài công lập.

00:00

Nhận diện

2023258_benhvientu.jpg
Việc phát triển hệ thống bệnh viện tư sẽ góp phần quan trọng trong việc chia sẻ gánh nặng với các bệnh viện công. Trong ảnh: Một người dân khám bệnh tại Bệnh viện Mắt quốc tế DND Hải Dương

Hải Dương hiện có khoảng 690 cơ sở y tế tư nhân nhưng mới có 2 bệnh viện tư là Đa khoa Hoà Bình và Mắt quốc tế DND Hải Dương (cùng ở TP Hải Dương). Cả hai bệnh viện này đều thuộc bệnh viện hạng 3, quy mô nhỏ. Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình thành lập năm 2008, quy mô 100 giường bệnh kế hoạch (thực kê 169 giường). Bệnh viện Mắt quốc tế DND Hải Dương hoạt động từ năm 2018, quy mô 10 giường bệnh.

Theo Sở Y tế, hiện có 2 dự án đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đã được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng vẫn đang trong quá trình thực hiện thủ tục. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư xây dựng 366 có đề xuất thành lập Bệnh viện Y học cổ truyền Phúc Hưng kết hợp Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi với quy mô dự kiến 150 giường bệnh.

Đó là những tín hiệu vui nhưng thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống bệnh viện tư nhân ở Hải Dương những năm qua diễn ra ì ạch. Những dự án xã hội hoá trong lĩnh vực này đã được tỉnh chấp thuận đầu tư vẫn còn bỏ ngỏ về khả năng thành công. Đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ từng nói tại lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: “Hệ thống y tế ngoài công lập của tỉnh còn rất yếu. Đội ngũ nhân viên y tế tư nhân thực hiện được rất nhiều việc nhưng so với nhu cầu của tỉnh thì còn khiêm tốn”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc phát triển bệnh viện tư ở Hải Dương còn ì ạch. Khách quan là Hải Dương nằm gần thủ đô Hà Nội - nơi có những bệnh viện lớn, uy tín, người dân không tốn quá nhiều thời gian để đi lại. Tâm lý chung của các gia đình là khi có người thân bị bệnh nặng thường chuyển thẳng tuyến Trung ương, ít qua bệnh viện tư. Các nhà đầu tư vì thế không muốn mạo hiểm xây dựng bệnh viện tại Hải Dương vì sợ lượng bệnh nhân ít. Chủ quan là mặc dù tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện khuyến khích lĩnh vực y tế tư nhân nhưng cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, thiếu hấp dẫn...
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn song những năm qua, cả hai bệnh viện tư tại Hải Dương vẫn chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực, đầu tư nhiều trang thiết bị máy móc, phát triển đa dạng các kỹ thuật y tế hiện đại nhằm thu hút bệnh nhân. Tuy nhiên, công suất sử dụng giường bệnh lại có chiều hướng giảm. Công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình năm 2019 là 70% nhưng đã lần lượt giảm xuống 68% năm 2020, 51% năm 2021 và 47% năm 2022. Khó khăn này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân song cho thấy việc khai thác công năng, hiệu quả hoạt động của bệnh viện tư vẫn còn hạn chế.

Dân số ở Hải Dương hiện đã lên tới hơn 2,1 triệu người. Điều này khiến ngành y tế gặp áp lực trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tình trạng quá tải bệnh nhân ở một số thời điểm hay lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên còn cao cho thấy đã đến lúc cần coi trọng phát triển hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ nhiều hơn với hệ thống bệnh viện công lập.

Khơi dòng

Chủ trương phát triển y tế tư nhân được Hải Dương ngày càng quan tâm nhiều hơn. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là “…thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội hóa, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hành nghề y, dược tư nhân…”.

Ngày 10.8, UBND tỉnh đã ban hành Quy định chế độ ưu đãi về đất đai đối với các dự án đầu tư xã hội hóa trong một số lĩnh vực, trong đó có y tế. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế tại khu vực đô thị sẽ được thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và được miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê theo thời hạn hoạt động của dự án… Theo tìm hiểu của phóng viên, so với những tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên thì cơ chế mà Hải Dương đưa ra để thu hút y tế tư nhân là rõ ràng hơn cả.

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng cơ chế trên là một sự nỗ lực lớn, một việc làm cần thiết và mang ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh còn ít bệnh viện tư nhân. “Ngoài ưu đãi về đất đai, chúng ta cần giúp đỡ các nhà đầu tư về thủ tục hành chính. Sự khẩn trương, nhanh gọn và chính xác trong giải quyết các thủ tục này sẽ khơi dòng cho các bệnh viện tư phát triển”, đồng chí Nga nói.

Thời gian tới, ngành y tế đề xuất ưu tiên đầu tư xã hội hoá thành lập bệnh viện tư nhân ở các lĩnh vực điều trị ung thư và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Điều này là phù hợp khi Hải Dương đang bước vào thời kỳ già hoá dân số và tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư ngày càng cao. Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành một bệnh viện tư rất tốn kém. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư được vay vốn ưu đãi, giảm các loại thuế… Ngoài thu hút xây dựng các bệnh viện tư cần tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư các trang thiết bị hiện đại vào các bệnh viện công nhằm phát triển chuyên sâu các kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đối với các bệnh viện tư đang hoạt động, tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình cho biết bệnh viện nằm trong khu dân cư, diện tích chật hẹp, không thuận tiện cho người dân đi lại. Mong tỉnh quan tâm cho bệnh viện mở rộng mặt bằng, đồng thời hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nhân viên y tế, mở rộng đối tượng được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

BÌNH MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo đà phát triển bệnh viện tư