Chiều 7.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương họp phiên thứ nhất để thông qua quy chế làm việc, phân công và triển khai các nhiệm vụ.
Trích phát biểu của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên họp
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp.
Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Phạm Xuân Thăng đề nghị Ban Chỉ đạo quán triệt sâu sắc vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng, trách nhiệm của mình. Ban Chỉ đạo là cơ quan giúp việc, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo PCTN, tiêu cực; có trách nhiệm đôn đốc, phối hợp, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạo chuyển biến rõ nét trong công tác PCTN, tiêu cực, lấy phòng là chính, nhằm giữ vững, ổn định tình hình chính trị - xã hội, làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu tại phiên họp
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cần quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các văn bản của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực nhằm cụ thể hóa thành các văn bản cấp tỉnh để thực hiện. Các công việc cần được phân loại theo tính chất, chức năng, thẩm quyền của từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong xử lý. Nhiệm vụ đối với cơ quan tư pháp cần bảo đảm đúng quy định pháp luật, có tính liên thông, đúng thẩm quyền. Về quyết định các thành viên, cần rà soát lại công việc bảo đảm sát với nhiệm vụ, tập trung, rõ người, rõ việc, phù hợp với vị trí đảm nhiệm.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu cần điều chỉnh lại, nên theo đầu việc để phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, rõ việc, rõ người. Cần tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; nêu bật ý nghĩa việc thành lập, hoạt động, kết quả công việc của Ban Chỉ đạo để đưa vào các tài liệu cung cấp cho cơ sở nhằm thể hiện rõ nét công tác PCTN, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của tỉnh là chủ trương đúng, tránh gây hoang mang dư luận.
Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền kết quả 10 năm (giai đoạn 2012 - 2022) công tác PCTN, tiêu cực và bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện công tác PCTN, tiêu cực. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc này, chú trọng tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong PCTN, tiêu cực.
Đồng chí Vũ Tiến Phụng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đọc các dự thảo văn bản
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất của các thành viên về việc cần tăng cường biện pháp phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo, các đơn vị liên quan cần sớm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách của tỉnh để không tạo kẽ hở hoặc thiếu sót có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, nhất là các lĩnh vực liên quan đến nguồn lực của địa phương; văn bản nào chưa chuẩn cần điều chỉnh ngay. Chủ động rà soát những lĩnh vực có nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực như đất đai, khoáng sản, tài sản công, tài chính, đấu thầu, đấu giá... Trong 6 tháng cuối năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng các đơn vị liên quan tham mưu rà soát ít nhất một lĩnh vực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; sớm hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để ký thông qua trước ngày 15.7.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh thông qua dự thảo quy chế làm việc. Dự thảo có 4 chương, 16 điều quy định nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác, cách thức, trình tự giải quyết công việc của Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia ý kiến tại phiên họp
Ban Chỉ đạo cũng thông qua dự thảo quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho 15 thành viên với nguyên tắc căn cứ vào chức danh, vị trí công tác và trên cơ sở công tác chuyên môn đang đảm nhiệm, bảo đảm tính toàn diện, bao quát toàn bộ nhiệm vụ. Các thành viên Ban Chỉ đạo được thay mặt Ban Chỉ đạo chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn, chuyên đề được phân công theo dõi, quản lý, phụ trách, chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo, Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngoài ra, các thành viên có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban Chỉ đạo các chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, pháp luật, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực; bổ sung các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng, không cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền trong công tác PCTN, tiêu cực.
Tại phiên họp có 6 đại biểu tham gia đóng góp ý kiến và cơ bản thống nhất với các nội dung của các dự thảo văn bản. Trong đó, đề nghị cần quy định ngắn gọn, cụ thể, rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các thành viên, tránh trùng lặp, chồng chéo. Công tác xử lý các vụ việc cần khách quan, đúng pháp luật, có tính nhân văn, bảo đảm ổn định tình hình xã hội...
DANH TRUNG