Xã hội

Tăng lương công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp

Theo VnExpress 06/11/2023 10:17

Mức lương thấp nhất khu vực công sẽ bằng lương tối thiểu bình quân vùng của khối doanh nghiệp sau khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ cho hay.

Cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 8/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Cán bộ làm thủ tục hành chính cho người dân tại UBND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, tháng 8/2022

Bộ Nội vụ ngày 3/11 gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội cho biết hiện đã bố trí đủ ngân sách triển khai đồng bộ 6 nội dung cải cách tiền lương. Chính phủ đã trích lập quỹ tiền lương 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026.

Sau khi mức lương tối thiểu khu vực công bằng khối doanh nghiệp, đời sống người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách sẽ được cải thiện. Chính sách tiền lương mới cũng hạn chế cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang tư. Đây là động lực để họ nâng cao hiệu quả công việc, theo Bộ Nội vụ.

Lương công chức, viên chức được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Từ ngày 1/7/2023 khi lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng thì mức lương cao nhất của công chức là 14,4 triệu đồng/tháng; mức thấp nhất là 2,43 triệu đồng/tháng.

Hiện lương tháng tối thiểu dành cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp ở vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu. Mức này đã tăng 6% so với trước 1/7/2022.

Như vậy, sau khi mức lương tối thiểu khu vực công bằng khối doanh nghiệp, lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được cải thiện rất nhiều so với hiện nay.

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến nay, các cơ quan trung ương và địa phương đã tinh giản 10% biên chế công chức và 11,6% viên chức, để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, khó khăn khi cải cách tiền lương là hệ thống vị trí, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vẫn đang hoàn thiện. Một số văn bản thể chế hóa chủ trương của Trung ương về cải cách tiền lương còn chậm. Hướng dẫn cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời; xã hội hóa để giảm số người hưởng lương từ ngân sách chưa đạt yêu cầu.

"Việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới với người giữ chức vụ lãnh đạo phức tạp do nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau, nay xếp vào một mức lương chức vụ mới. Vì vậy dẫn đến có người cao hơn, người thấp hơn", báo cáo nêu.

Từ nay đến khi thực hiện cải cách tiền lương vào giữa năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ trình cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến cấp xã. Nhiều giải pháp tài chính được triển khai để tạo nguồn cải cách tiền lương bền vững. Bộ máy nhà nước được sắp xếp lại để giảm số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách.

Nghị quyết 27/2018 của Trung ương đặt mục tiêu cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2021. Tuy nhiên, hai năm qua, do nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19, lộ trình cải cách đồng bộ chính sách tiền lương đến nay chưa được thực hiện.

Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức trên toàn quốc được trả lương theo vị trí việc làm thay cho chính sách tiền lương thấp, chưa tạo động lực. Bộ Nội vụ đã xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm.

Theo đó, có 861 vị trí việc làm cán bộ, công chức, trong đó nhóm lãnh đạo, quản lý có 137; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên ngành 665; nhóm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung 37; nhóm hỗ trợ, phục vụ 22 vị trí. Cán bộ, công chức cấp xã có 17 vị trí, trong đó 11 vị trí cán bộ chuyên trách, 6 vị trí công chức xã. Đến nay, 16/20 bộ ngành ban hành vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Từ 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Tăng lương công chức tiệm cận khu vực doanh nghiệp