Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị các bước để sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành theo chỉ đạo của Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào năm tới.Trong đó, giờ làm thêm là một trong những nội dung sẽ được đưa ra lấy ý kiến, xem xét sửa đổi lần này.
Dự án Luật Lao động (sửa đổi) về làm thêm giờ, dự án dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ mỗi năm.
Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập.
Khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của người lao động khi tham gia vào hoạt động này.
Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da. Đơn hàng từ đối tác của nhóm các doanh nghiệp này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp. Từ đó, chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với người lao động.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam-cho rằng, việc nâng giờ làm thêm phải đặt trong mối tương quan giữa giờ làm việc chính thức như: giờ làm tương đối cao, điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam cũng có hạn chế nhất định...
Ông Quảng cho biết thêm, với điều kiện cụ thể ở nước ta, có thể xem xét việc mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về làm thêm giờ lên 300 giờ, trường hợp đặc biệt được làm thêm tối đa 400 giờ mỗi năm, là có thể chấp nhận được.
"Ở đây, cần điều kiện phải bảo đảm tiền lương làm thêm giờ của người lao động được trả theo lũy tiến, làm thêm giờ càng nhiều thì càng được hưởng lương cao", ông Quảng nhấn mạnh.
Ông Quảng lấy ví dụ, làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%.
Theo Lao động