Tăng "đề kháng" cho thanh thiếu niên trên không gian mạng

14/06/2022 10:00

Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực để trang bị kiến thức, kỹ năng định hướng người trẻ sử dụng mạng xã hội (MXH) an toàn, hiệu quả.


Gia đình và nhà trường cần đồng hành cùng trẻ em khi tham gia mạng xã hội (ảnh minh họa)

Cuối tháng 3, Huyện đoàn Tứ Kỳ tổ chức chương trình hỗ trợ thiếu nhi kỹ năng học tập trực tuyến, tương tác lành mạnh và sáng tạo trên môi trường mạng. Chương trình thu hút 100 thanh thiếu nhi trong huyện tham gia. Tại chương trình, các em được tìm hiểu các kiến thức về sử dụng MXH thông qua hình thức sân khấu hóa. Các tiểu phẩm được học sinh thể hiện trực quan, dễ hiểu. Thanh thiếu nhi cũng được trao đổi, chia sẻ với chuyên gia tâm lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về những vấn đề gặp phải khi sử dụng MXH và được tư vấn cách thức, thời gian sử dụng hợp lý... Chị Nguyễn Thị Minh Phương, Bí thư Huyện đoàn Tứ Kỳ cho biết mỗi năm Huyện đoàn tổ chức ít nhất 1 hội nghị, buổi tọa đàm nói chuyện chuyên đề về MXH đối với học sinh. Các hoạt động này giúp các em ý thức hơn trong tiếp cận thông tin trên MXH, có kỹ năng ứng xử với những thông tin xấu, độc. Huyện đoàn còn chỉ đạo liên đội các trường xây dựng mô hình "Cùng trò trên không gian mạng". Đến nay, mô hình được triển khai hiệu quả tại 10 trường học trong huyện. "Ngoài việc các giáo viên đồng hành cùng học sinh sử dụng internet, một số trường còn thiết lập đường dây nóng để các em liên hệ khi gặp phải vấn đề lúc học trực tuyến, sử dụng MXH... Nhà trường lồng ghép kiến thức vào những bộ môn tin học, công nghệ, giáo dục công dân giúp học sinh hiểu hơn về an ninh mạng, biết cách phòng chống những hành vi vi phạm pháp luật trên internet", chị Phương cho biết thêm.


Được thành lập cách đây 1 năm, tổ cộng tác viên tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên không gian mạng Tỉnh đoàn (Tổ cộng tác viên 35) hiện có 32 thành viên. Từ khi thành lập, Tổ cộng tác viên 35 đã tổ chức hàng chục buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề về văn hóa sử dụng MXH; phối hợp các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chuyên mục trên trang MXH nhằm đưa nguồn thông tin chính thống, bổ ích để các cấp bộ đoàn theo dõi, định hướng tuyên truyền cho lớp trẻ. Anh Hoàng Trọng Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, Tổ trưởng Tổ cộng tác viên 35 cho biết: "Không chỉ kịp thời tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên thanh niên, tổ còn khuyến cáo người dùng MXH về thông tin không chính thống, tin giả, sai sự thật... ".

Toàn tỉnh hiện có hơn 300 trang trên MXH Facebook do các cơ sở đoàn trực thuộc quản lý nhằm cung cấp nguồn thông tin chính thống cho đoàn viên thanh niên; xây dựng các chuyên mục ý nghĩa như "Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp"; "Thanh niên với các hoạt động nhân đạo"...

Theo Bí thư Huyện đoàn Cẩm Giàng Nguyễn Thị Trang, so với những kênh thông tin khác thì tuyên truyền trên MXH phát huy hiệu quả tích cực bởi số lượng người sử dụng lớn. Tuy nhiên, việc sử dụng MXH đối với người trẻ cần sự định hướng của phụ huynh, giáo viên nhà trường. Bởi chỉ cần những thông tin sai sự thật nếu được người trẻ tiếp cận dù vô tình hay cố ý đều ảnh hưởng đến tâm lý. "Các bậc phụ huynh cần thảo luận với con về thời gian dành cho MXH để cân bằng các hoạt động thể chất khác; tìm hiểu các bài đăng trên MXH của con, những người bạn mà con giao tiếp và ngăn con truy cập các trang mạng không an toàn bằng cách hạn chế một danh mục cụ thể. Đây có thể coi là một công cụ đắc lực trong việc hướng dẫn và đồng hành cùng trẻ khám phá thế giới trực tuyến một cách an toàn và hiệu quả", chị Nguyễn Thị Trang nói. 

Vào dịp hè, nhiều gia đình thường cho con em sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, xem tivi khá thoải mái. Việc trẻ quá đắm chìm vào những trò chơi điện tử, phim, video giải trí vô bổ trên không gian mạng tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường. Cô giáo Cao Thị Thu Hằng, phụ trách Khoa Tâm lý - giáo dục, Trường Cao đẳng Hải Dương khuyến cáo: "Điều này không tốt bởi nó không chỉ làm giảm sự giao lưu của các em với người lớn, bạn bè mà còn tác động tiêu cực trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Trẻ em nên được tiếp xúc, làm quen với các thiết bị thông minh, môi trường internet nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của gia đình về thời lượng sử dụng, nội dung truy cập..."

NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng "đề kháng" cho thanh thiếu niên trên không gian mạng