Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, mùa đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp. Đây là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi trong vụ đông xuân, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Chăm sóc, nuôi dưỡng
- Chuồng nuôi phù hợp với đối tượng, lứa tuổi vật nuôi, bảo đảm đủ ấm nhưng vẫn phải đủ thông thoáng, sạch sẽ. Mật độ nuôi hợp lý, đặc biệt chú ý đến nhiệt độ của chuồng úm gia súc, gia cầm non.
- Thức ăn phải đầy đủ, bảo đảm chất lượng, số lượng. Đặc biệt đối với gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê, ngựa), dễ bị thiếu thức ăn vì mùa đông cây cỏ phát triển chậm. Người chăn nuôi cần chủ động trồng, dự trữ thức ăn thô xanh như phơi khô, ủ chua cỏ, cây ngô, rơm và các phụ phẩm nông nghiệp khác.
- Đối với đàn trâu bò chỉ chăn thả khi nhiệt độ trên 12 độ C, thời gian có thể thả từ 8 - 16 giờ. Nên thả gia súc ở những nơi thuận tiện cho việc di chuyển để đề phòng khi gặp thời tiết bất lợi.
2. Vệ sinh, phòng bệnh
Tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm ngặt công tác cách ly, ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại. Cách ly và kiểm soát vật nuôi mới nhập về. Mua con giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh và cách ly ít nhất 14 ngày. Người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động bảo đảm vệ sinh dùng riêng trong khu vực trại. Kiểm soát phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Kiểm soát thức ăn, nước uống và các loại côn trùng.
Chủ động dùng vaccine phòng bệnh theo lịch trình hoặc hướng dẫn của cơ quan thú y. Bổ sung vitamin, men tiêu hóa và các thuốc trợ sức, trợ lực định kỳ hoặc khi có yếu tố bất lợi để tăng sức kháng bệnh cho vật nuôi.
Thường xuyên nắm bắt diễn biến thời tiết và thông tin về tình hình dịch bệnh; giám sát đàn vật nuôi sớm phát hiện, những vật nuôi ốm, yếu để điều trị và xử lý kịp thời.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh