Thấy nhiều món đồ hấp dẫn, lại có thêm bạn bè mới, Lan tiêu hết sạch 20 triệu đồng tiền mừng đỗ đại học trong tháng đầu lên Hà Nội học.
Nữ sinh người Hà Tĩnh, khi đó là sinh viên năm nhất một trường đại học ở quận Cầu Giấy, cầm theo 30 triệu đồng trong hành trang đến Hà Nội, với tiền đặt cọc nhà thuê gần 10 triệu đồng.
Không dư dả như Lan, Bảo cho biết đã hỏi kinh nghiệm mua bán từ các anh chị khóa trên khi nhập học Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dù vậy, nam sinh quê Ninh Bình vẫn sốc khi tiêu hết 8 triệu đồng sau 20 ngày nhập học, chưa kể tiền nhà và điện nước.
Còn Thủy, quê Phú Thọ, sinh viên Học viện Ngoại giao, tròn mắt khi lần đầu đi uống trà sữa và ăn vặt với hai bạn cùng phòng hết gần 400.000 đồng. "Em sốc với giá cả ở Hà Nội", Thủy nói. Thủy cho biết "cũng hay đi ăn uống cùng bạn bè ở quê nhưng chưa bao giờ uống trà sữa với giá 50.000-60.000 đồng một cốc, ở quê em chỉ 25.000-35.000 đồng".
Sinh viên trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) làm thủ tục nhập học sáng 17.9. Ảnh: Thanh Tùng
Một khảo sát trên 1.000 sinh viên ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hồi năm 2017 của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy mức chi tiêu trung bình hàng tháng của mỗi sinh viên sống với gia đình là 3,78 triệu đồng. Con số này là 4,92 triệu đồng với sinh viên không sống cùng gia đình, chủ yếu chi tiêu cho ăn, uống. Tuy nhiên, nhiều tân sinh viên cho hay, số tiền họ tiêu trong thời gian đầu mới nhập học thường cao hơn.
TS Bùi Thị Hà Giang, Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định đây là chuyện phổ biến. Nhiều tân sinh viên lần đầu xa gia đình, phải tự quyết định tất cả chi phí như ăn ở, đi lại, học tập, giải trí ở thủ đô nên chưa biết cách chi tiêu hợp lý.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Diệu Linh, Phó trưởng bộ môn Kế toán tài chính, Khoa Kế toán- Kiểm toán, Học viện Ngân hàng, ở môi trường mới, các em chưa chọn lọc được các mối quan hệ, thường sa đà vào ăn uống, vui chơi và không kiểm soát được chi tiêu.
Đây cũng là những lý do mà Bảo, Lan và Thủy nhận thấy khi ngồi xem lại danh sách chi tiêu của mình.
Dù ở trọ nhưng Lan sắm nhiều đồ dùng như ở nhà. Nữ sinh mua từ thảm lót chân, dây trang trí phòng, khung tranh, đèn led, đến hộp tăm, hộp đựng gia vị cùng nhiều đồ nấu nướng, giặt giũ. "Hóa đơn thanh toán tại siêu thị khi đó in ra dài đến thắt lưng và hết khoảng 5-6 triệu", Lan nói. Không những thế, khi lần đầu tham quan một trung tâm thương mại lớn, sẵn tiền trong tay, Lan mua ngay hai chiếc áo khoác có giá khoảng ba triệu đồng, dù thời tiết Hà Nội mới chuyển sang thu.
Còn với Bảo, ngoài mua sắm đồ đạc còn thường được bạn bè mới hoặc bạn cấp ba rủ ra ngoài ăn tối. Mỗi lần như thế, Bảo bấm bụng chi 200.000-300.000 đồng, chưa kể thỉnh thoảng đi uống cà phê hoặc xem phim. Nhưng trải nghiệm đáng nhớ nhất của nam sinh là nhận lời cùng bạn bè tới quán bar vì tò mò.
"Em không ăn uống quá nhiều, nhưng hóa đơn thanh toán cũng hết vài triệu đồng", Bảo nói, cho biết sau đó không còn dám đến những nơi này nữa.
Thủy cũng tương tự. Nữ sinh thường tiêu 180.000-250.000 đồng mỗi khi ra ngoài hẹn hò với bạn bè. Thủy nói giá này gấp khoảng 1,5 lần so với các quán lẩu, nướng mà em từng đi ăn ở quê. Mỗi tuần có ba, bốn cuộc hẹn ăn uống bên ngoài nhưng không nỡ từ chối. Sau 3 tuần, số tiền 7 triệu đồng mà Thủy cầm theo chỉ còn lại vài trăm nghìn. Nữ sinh đành dùng số tiền còn lại để mua rau, trứng ăn cùng số gạo mang theo ngày nhập học.
Bảo không dám gọi về xin tiền bố mẹ. Nam sinh vay của anh họ một số tiền nhỏ để ăn uống đến hết tháng. "Mấy ngày cuối tháng, có ngày em ăn một bữa, ngày hai bữa, và mua thêm mì gói để phòng khi hết sạch tiền", Bảo nói.
TS Diệu Linh nhận thấy nhiều sinh viên cắt giảm ăn uống sau khi đã "vung tay quá trán", khiến sức khỏe giảm sút hoặc luôn phải suy nghĩ, đắn đo về kiếm tiền, ảnh hưởng đến học tập.
Còn theo cô Vũ Thanh Ngọc, chuyên viên Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc chi tiêu hoang phí vào các nhu cầu chưa thực sự cần thiết khiến nhiều tân sinh viên khó khăn vào cuối tháng. Nhiều em đã rơi vào các bẫy lừa đảo như vay nặng lãi, tín dụng đen, hoặc bị dụ dỗ vào hoạt động kiếm tiền đa cấp.
Cô Ngọc và cô Giang cho rằng tân sinh viên nên ưu tiên chi tiêu cho các khoản cơ bản như ăn ở, học tập, trang phục lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh và giảng đường. Lập kế hoạch chi tiết là chìa khóa giúp các em không bị sốc trong thời gian đầu. Việc ghi chép chi tiêu cũng giúp các tân sinh viên rèn luyện tính nhẫn nại, giúp ích cho cuộc sống và công việc tương lai.
TS Linh gợi ý các tân sinh viên nên áp dụng quy tắc chi tiêu thông minh bằng cách chia số tiền mình có thành các quỹ nhỏ. Điều này có thể học hỏi từ thầy cô, bố mẹ, bạn bè hoặc tham khảo quy tắc sáu chiếc lọ, phân bổ chi tiêu cho từng khoản cụ thể. Chẳng hạn, sinh viên có thể chi 60% số tiền cho nhu cầu thiết yếu (ăn uống, đi lại, học tập), 20% đầu tư nâng cao giá trị bản thân (học kỹ năng mới), 10% tiết kiệm cho quỹ dài hạn (thuốc men, đau ốm), 10% còn lại chi tiêu cho giải trí cá nhân. Bên cạnh đó, sinh viên để tiền trong tài khoản và rút ra chi tiêu khi cần thay vì cầm nhiều tiền mặt cũng là phương pháp hiệu quả.
Thùy Ngân, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng từng trải qua cảm giác sốc chi tiêu trong hai tháng đầu khi không nhớ nổi đã tiêu tiền vào những khoản nào.
"Gần cuối tháng, khi hết cả tiền ăn cơm em mới ngỡ ngàng", Ngân nhớ lại. Nữ sinh năm cuối cho biết các khoản chi tiêu nhỏ lẻ như ăn vặt, đặt hàng giá rẻ qua mạng khi cộng dồn lại là khoản chi lớn. Ngân sau đó dùng ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại, liệt kê các khoản thu chi trong tháng và đưa ra định mức cho bản thân. Nữ sinh cố định hàng tháng cần chi khoảng 1,5 triệu ăn uống, 700.000 đồng sinh hoạt phí và 500.000 đồng tiền ký túc xá. Ngày nào Ngân cũng ghi lại chi tiết số tiền chi tiêu để cân đối.
Thùy Ngân cho rằng tân sinh viên nên từ chối đến những nơi chưa hiểu rõ về dịch vụ hoặc những địa điểm tụ tập ăn chơi để tránh rủi ro. Thay vào đó, các em nên tham gia thêm câu lạc bộ tại trường, vừa giải trí vừa có thể phát triển bản thân.
Lan, Thủy và Bảo cho biết sau khi ngồi xem lại các khoản chi tiêu đã lên kế hoạch để giảm mua sắm hay tiêu dùng vào những việc không cần thiết, ưu tiên cho sức khỏe và học tập.
"Em đặt mục tiêu giảm 7 lần số tiền tiêu hàng tháng so với mức 20 triệu trong tháng đầu tiên. Em mua giấy ghi chú và đặt lời nhắc trên điện thoại, ghi lại tất cả số tiền chi tiêu cùng lời nhắc nhở bản thân phải tiết kiệm hơn và dán khắp phòng, từ tủ quần áo đến tủ lạnh", Lan nói.
* Tên sinh viên đã được thay đổi
Theo VnExpress