Giáo dục và đào tạo

Những "cú sốc đầu đời" của tân sinh viên

T.H (tổng hợp) 28/09/2024 15:58

Tháng đầu lên đại học, Nguyên Hạnh nhiều bữa phải nhịn ăn rau vì "không chịu nổi nhiệt" với mức giá 25.000 đồng một mớ rau muống, đắt gấp 10 lần ở quê.

Tân sinh viên nhập học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vào cuối tháng 8/2024. Ảnh: HUS
Tân sinh viên nhập học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, vào cuối tháng 8/2024

Hạnh, 18 tuổi, là sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng. Nữ sinh đến từ Thái Bình được bố mẹ cho 3,9 triệu đồng một tháng để chi tiêu.

"Lúc đầu em nghĩ chỉ cần 3 triệu đồng là quá xông xênh rồi, vì hồi ở quê em còn không dùng tới tiền tiêu vặt. Nhưng cuối cùng mọi thứ không như mơ", Hạnh nói.

Trong số tiền được chu cấp, nữ sinh trả tiền trọ 1,5 triệu, mua giáo trình và đóng các khoản phí trên trường khoảng một triệu, đồ cá nhân 700.000 đồng, còn lại dành cho đi lại và tiền ăn hàng ngày. Để tiết kiệm, bố mẹ gửi thịt, trứng và đồ khô từ quê lên Hà Nội cho Hạnh, còn rau và các loại đồ ăn không để được lâu thì nữ sinh tự mua.

Mỗi lần đi chợ, Hạnh lại sốc. Rau muống ở nhà bán 5.000 đồng cho hai mớ, nay phải mua với giá cao gấp 10. Đợt sau bão số 3, giá rau xanh cũng tăng 2-3 lần ngày thường, nên nhiều bữa Hạnh chấp nhận nhịn rau.

Cuối tháng, Hạnh chỉ còn 100.000 đồng và khoản quỹ lớp chưa đóng. Cô gọi chuyện quản lý chi tiêu khi phải sống ở thủ đô là "cú sốc đầu đời", và định xin khất quỹ tới tháng sau.

Còn Thanh Tùng, tân sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), sốc với giao thông đô thị.

Để tiết kiệm, Tùng không ở quận Thanh Xuân để gần trường, mà về quận Nam Từ Liêm trọ cùng anh trai. Quãng đường 8 km, Tùng cho là "quá bình thường" và chọn đi học bằng xe buýt. Nhập học xong, Tùng đã thử một chuyến vào giữa chiều, thấy chỉ mất chừng 30 phút một lượt nên yên tâm.

Thế nhưng, ngay sáng đầu tiên đi học chính thức, Tùng kinh ngạc thấy đường đông tới mức "không một chỗ trống". Nam sinh mất hơn một tiếng trên xe, ngày mưa lớn thì lên gần hai tiếng.

Những tân sinh viên như Hạnh và Tùng đối mặt nhiều khó khăn khi bước vào năm đầu đại học. Đây là chuyện dễ hiểu, theo PGS.TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên, trường Đại học Mỏ - Địa chất. Lý do là đa số sinh viên đến từ các tỉnh, thành khác, lần đầu phải xa gia đình, tự lập cuộc sống và chủ động việc học, dẫn tới các cú sốc tâm lý.

Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Giáo dục năm 2023 đã khảo sát khoảng 900 tân sinh viên, trong đó gần 43% cho biết gặp khó về tài chính trong năm đầu đại học, kế đó là học tập và đời sống xã hội.

Thống kê của trường Đại học Mở Hà Nội và Mỏ - Địa chất cũng ghi nhận kết quả tương tự. Ngoài "sốc chi tiêu" như Hạnh hay gặp khó trong việc đi học như Tùng, nhiều em cũng chật vật thích nghi với môi trường học.

Văn Việt, trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, rơi vào trường hợp này. Dù học chuyên Toán ở THPT, Việt vẫn "choáng" với nội dung và chương trình học.

Ban đầu, nhìn lịch học chỉ có 4 môn, Việt nghĩ mọi thứ chắc sẽ nhẹ nhàng, vì so với hồi phổ thông, thời gian trên giảng đường chỉ bằng một phần ba.

"Thực tế phũ phàng hơn nhiều", Việt nói. "Chương trình học và kiến thức nặng hơn gấp mấy lần phổ thông, trong khi thầy cô dạy nhanh như một cơn gió".

Số lượng bài được giao và "deadline" dồn dập cũng khiến Việt bị ngợp. Như ở môn nhập môn Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại số hay Giải tích, bài lập được giao trên nhiều website khác nhau. Sinh viên phải tự làm và chú ý hạn cuối nộp bài. Việt thấy quay cuồng với chương trình học.

Nghiên cứu năm 2022 của sinh viên trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ ra rằng khoảng 45-57% sinh viên năm nhất gặp các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý, tác động tiêu cực tới kết quả học tập.

Chia sẻ với những khó khăn của tân sinh viên, ông Lê Xuân Thành khuyên các em trước hết cần bình tĩnh để xem đang gặp khó ở đâu, sau đó tìm giải pháp.

"Đôi khi, các em xử lý thông tin nhanh quá, hoặc lo lắng, nóng vội dẫn tới hoảng loạn và đưa ra những quyết định không hợp lý. Do đó, điều đầu tiên tôi luôn nhắc sinh viên là sống chậm lại", ông nói.

Đồng tình, thạc sĩ Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Mở Hà Nội, cho biết các trường luôn có nhiều giải pháp để hỗ trợ sinh viên, điều quan trọng là các em xác định được vấn đề của mình, cởi mở chia sẻ với thầy cô.

Ví dụ việc thuê chỗ ở gần trường để tiện đi lại, trường Mở Hà Nội đã xây dựng ngân hàng nhà trọ tin cậy cho sinh viên. Các địa chỉ được chính cán bộ, giảng viên, sinh viên của trường tìm kiếm, kiểm tra chi tiết trước khi đưa lên hệ thống, đồng thời là cũng nơi ở phù hợp với khả năng chi trả của sinh viên.

Xe bus, phương tiện đi học của sinh viên Tùng, giữa dòng giao thông trên đường Nguyễn Trãi, gần cổng trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.
Xe bus, phương tiện đi học của sinh viên Tùng, giữa dòng giao thông trên đường Nguyễn Trãi, gần cổng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Về tài chính, ông Ngọc Anh cho biết mỗi trường đều có quỹ học bổng, khen thưởng, hỗ trợ sinh viên. Như tại Đại học Mở Hà Nội, quỹ này lên tới 20 tỷ đồng mỗi năm, trường cũng xây dựng kênh kết nối việc làm, giúp sinh viên tìm được việc ở các địa chỉ uy tín, tránh lừa đảo.

Ông Thành nói thêm hiện các chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn khá đa dạng. Ngoài gói của trường, các em có thể tham khảo chương trình vay vốn từ nhiều ngân hàng với hạn mức phổ biến 3-5 triệu đồng.

Về việc học, hai giảng viên khuyên sinh viên xây dựng nhóm học tập, kết nối với Đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội đồng hương để được hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm học cũng như trao đổi học liệu, đề cương. Khi có một tập thể để san sẻ, các em sẽ giảm áp lực khi phải thích nghi và hòa nhập với môi trường mới, có thêm các hoạt động và trải nghiệm xã hội để làm giàu vốn sống.

Sau gần một tháng "bò trên đường đi học", Tùng và anh trai sẽ chuyển trọ đến gần Đại học Khoa học tự nhiên để nam sinh có thể đi bộ tới trường. Còn anh trai, đang học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chấp nhận đi xa vì "quen với cảnh tắc đường ở Hà Nội hơn".

Nguyên Hạnh cho biết đã tải ứng dụng quản lý chi tiêu, lên kế hoạch hạn chế mua đồ mới, giảm tần suất uống trà sữa, tận dụng mỗi lần về quê hoặc nhờ bố mẹ gửi thêm rau củ quả.

*Tên một số sinh viên đã thay đổi

T.H (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "cú sốc đầu đời" của tân sinh viên