Thay vì sống khép mình, mặc cảm, không ít người nhiễm HIV ở Hải Dương luôn lạc quan, sẵn sàng đương đầu với bệnh tật và trăn trở trách nhiệm phòng ngừa căn bệnh thế kỷ.
Vượt lên mặc cảm
Chị T.T.H. sinh năm 1978 ở huyện Gia Lộc phát hiện bản thân nhiễm HIV từ năm 2020 nhưng theo phán đoán của chị thì có thể chị đã mắc căn bệnh này từ trước đó mà không hay biết. Chị H. kể một thời gian dài chị cảm thấy ăn không ngon miệng, cơ thể suy nhược nên được người thân động viên đi kiểm tra sức khoẻ. Thế nhưng, kết quả lại khiến chị bàng hoàng, suy sụp. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh éo le này, lại cay đắng hơn khi bị lây bệnh từ chồng. Đau khổ, sợ hãi, căm phẫn rồi lo lắng, mặc cảm mọi người phát hiện, xa lánh. Thế nhưng, sau cú sốc chồng qua đời, lại được gia đình động viên tôi dần lấy lại cân bằng, suy nghĩ tích cực hơn”, chị H. nói.
Chị H. đã điều trị bằng thuốc ARV được 3 năm. Hiện sức khoẻ của chị ổn định, tinh thần thoải mái. Chị làm công nhân tại doanh nghiệp cách nhà 4 km để có thu nhập, trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Dù đã chấp nhận đối mặt với bệnh tật, song đôi khi chị vẫn cảm thấy dè dặt, không phải ai chị cũng chia sẻ về tình trạng bệnh của bản thân. Chị dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này để có lối sống khoa học hơn và bảo đảm an toàn cho những người xung quanh.
Chị N.T.L. sinh năm 1979 ở TP Hải Dương đã chung sống với HIV được 20 năm. Từ bi quan, tuyệt vọng, chị L. dần lạc quan, yêu đời, nhất là khi chị gặp được người cùng cảnh ngộ để làm chỗ dựa. Chị L. nhiễm HIV từ chồng. Chị có 2 người con thì chỉ có con gái lớn may mắn không mắc bệnh giống bố mẹ. Chồng và đứa con út không chống chọi được với bệnh tật đã qua đời. Chị L. chỉ còn động lực duy nhất là con gái. Hoàn cảnh của bản thân đã thôi thúc chị L. mạnh dạn đứng lên, trở thành tuyên truyền viên năng nổ phòng chống căn bệnh thế kỷ.
Tình cờ trong một lần tham gia tuyên truyền về HIV vào năm 2014, chị L. gặp anh L.Q.B cũng bị nhiễm HIV. Đồng cảm với hoàn cảnh của nhau nên chị L. và anh B. nên duyên. Hiện anh B. đã có công việc ổn định, còn chị L. thì tích cực, tâm huyết với các phong trào, dự án dành cho người nhiễm HIV. Gia đình chị L. đang tuân thủ điều trị bệnh bằng thuốc ARV. Sức khoẻ của các thành viên nhiễm HIV đều bình thường, khoẻ mạnh. “Hiện mọi người cũng dần thay đổi suy nghĩ, cách nhìn nhận với những người có ‘H’. Điều này khiến người nhiễm HIV lạc quan, sống có trách nhiệm hơn”, chị L. chia sẻ.
HIV không còn là án tử
Bên cạnh những người nhiễm HIV có lối sống tích cực, lạc quan thì không ít người vẫn còn nặng nề và có suy nghĩ cực đoan về căn bệnh này. Không chỉ lo ngại sự kỳ thị của xã hội mà chính bản thân người nhiễm HIV không giải toả được áp lực. Từ đó dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Anh N.V.N. sinh năm 1982 ở thị xã Kinh Môn là một trong những trường hợp như vậy. 4 năm qua, anh N. âm thầm điều trị bệnh mà không chia sẻ với gia đình, người thân. Anh sợ mọi người sẽ không thông cảm, thấu hiểu mà xa lánh, ghét bỏ, tra hỏi về nguyên nhân nhiễm bệnh. Dù được nhân viên y tế tận tình động viên, chia sẻ, song anh N. vẫn luôn đấu tranh tâm lý và chưa vượt qua được rào cản.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân nhiễm HIV nếu tuân thủ nguyên tắc điều trị sẽ duy trì được sức khoẻ tốt, tuổi thọ như bình thường. Nhiễm HIV không còn là án tử. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV ở Hải Dương vẫn khỏe mạnh, lao động, học tập bình thường, có gia đình hạnh phúc, sinh con khỏe mạnh. Đây là cơ sở để đến năm 2030, tỉnh phấn đấu chấm dứt căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Hiện xã hội cởi mở, đồng cảm với những người nhiễm HIV, song đâu đó vẫn còn cái nhìn chưa thiện cảm, phân biệt đối xử. Điều này khiến người bệnh cảm thấy bi quan, khó hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nâng cao công tác truyền thông, loại bỏ định kiến với người nhiễm HIV để họ tin tưởng, an tâm tiếp cận điều trị.
Đến hết tháng 11/2024, Hải Dương phát hiện 3.841 người nhiễm HIV. Trong đó, 1.796 trường hợp đã tử vong, 2.045 người đang được quản lý, điều trị. Toàn bộ các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều phát hiện người nhiễm HIV. Số ca nhiễm HIV mới và số người nhiễm HIV tử vong ở Hải Dương có xu hướng giảm theo từng năm. Những năm trước, số ca nhiễm mới dao động từ 75-80 ca/năm. Năm 2023, toàn tỉnh có 66 ca nhiễm mới, 9 tháng năm 2024 phát hiện 57 người nhiễm HIV. Đến hết tháng 9/2024, Hải Dương có 1.960 người nhiễm HIV đang điều trị ARV. Tỷ lệ ca nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện đạt 95%, cao hơn 5% so với chỉ tiêu Bộ Y tế đặt ra.