Đời sống văn hóa

Tấm lòng, tình cảm với văn học, nghệ thuật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

HOÀNG THƯƠNG 28/07/2024 15:00

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm tới đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà. Ông đánh giá cao sự “khác biệt” ở tài năng, năng khiếu của đội ngũ này.

00:00

z5666930662146_7eb74e2dc5cb65d0858172d4e03ce8ba.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các văn nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

Nhớ những lần gặp Tổng Bí thư

80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc trên mọi lĩnh vực, đặc biệt đối với văn học nghệ thuật vô cùng to lớn. Ở cương vị công tác nào, Tổng Bí thư đều bố trí công việc, thời gian để tham dự các sự kiện quan trọng của đời sống văn học.

Được gặp, nghe Tổng Bí thư trò chuyện, phát biểu chỉ đạo mới thấy tâm huyết, tầm nhìn của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Tổng Bí thư luôn khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong xây dựng văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Lần đầu tôi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông đến làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 21/9/2013 tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Trong không gian ấm cúng của phòng khách tòa biệt thự Bảo Đại xưa, sau khi trò chuyện, hỏi và nghe về những khó khăn của văn học, nghệ thuật hiện tại, Tổng Bí thư chia sẻ với văn học, nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là những người có năng khiếu đặc biệt, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận thực tiễn cuộc sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra tác phẩm. Sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật cần những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học... Các văn nghệ sĩ cần thường xuyên học hỏi, rút ra những bài học tốt từ những thế hệ trước để tiếp tục đi xa… Mỗi văn nghệ sĩ cần bám sát hiện thực cuộc sống để sáng tạo, làm sao cho mỗi tác phẩm của họ phản ánh chân thực cuộc sống, làm sao cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da”, Tổng Bí thư trích câu nói của nhà văn Kalinin.

Lần thứ hai tôi được gặp Tổng Bí thư khi ông tới dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngày 9/1/2016 tại Khách sạn La Thành (Hà Nội). Trước khi vào hội trường, Tổng Bí thư bước chậm rãi xem các tác phẩm tiêu biểu trưng bày ngoài sảnh chính. Ông bắt tay, hỏi thăm nhiều văn nghệ sĩ, trao đổi rất kỹ trước một tấm ảnh, một bức tranh mà ông thấy thích thú. Ông ngồi dự hết phiên khai mạc và phát biểu với Đại hội.

Với chất giọng ấm, sáng, Tổng Bí thư nói:Văn học, nghệ thuật nước nhà phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước trong thời kỳ mới. Văn học, nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, tuân theo quy luật của tình cảm, của trái tim. Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thực sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ...".

Trong giờ giải lao của Đại hội, các đại biểu vây quanh, trong câu chuyện ấm áp, Tổng Bí thư so sánh rất hóm hỉnh mà sâu sắc: “Văn hóa không phải là cái đuôi của kinh tế, không chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Chính văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, hội nhập mà không hòa tan”.

z5666930606116_928ce3a394972f2cec334043f4eaa766.jpg
ổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với các văn nghệ sĩ tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 25/7/2023. Ảnh: Trí Dũng (TTXVN)

Niềm mong mỏi lớn lao với văn nghệ sĩ

Với các văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có một tình cảm rất đặc biệt. Ông đánh giá cao sự “khác biệt” ở tài năng, năng khiếu của đội ngũ này.

Với những văn nghệ sĩ trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao lại cho họ lời dặn dò, niềm mong mỏi lớn lao: “Xin cho tôi gửi gắm niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ, những người chắc chắn sẽ làm rạng rỡ nền văn học, nghệ thuật nước nhà trong thế kỷ XXI”. Tổng Bí thư tin họ là những người có năng khiếu, lại có khả năng thu nhận tri thức, tiếp cận đời sống, trau dồi bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp, là người sáng tạo ra những tác phẩm.

Ông từng dặn dò, thời đại chúng ta có rất nhiều điều đáng viết, nhưng quan trọng vẫn là viết như thế nào, viết cho ai đọc và viết để làm gì? Chúng ta thường nói, văn học phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn học bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ trẻ thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân.

Gần đây nhất, ngày 25/7/2023, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tổng Bí thư cũng yêu cầu mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay.

Giáo sư, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từng kể: “Mình đăng ký vào gặp Tổng Bí thư một tiếng đồng hồ để báo cáo mọi việc và xin ý kiến Cụ trước khi tổ chức. Hết thời gian đăng ký, Thư ký của Cụ vào nhắc sợ Cụ mệt, Tổng Bí thư nhẹ nhàng bảo: “Cứ ngồi đây, chúng mình nói chuyện lúc nữa. Nói chuyện với văn nghệ sĩ mình không thấy mệt, đầy cảm xúc lại khỏe ra”. Kết quả là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam hết một buổi chiều hôm ấy.

Không chỉ ân tình, trân trọng gần gũi với văn nghệ sĩ, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà Nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có những chỉ đạo sâu sát nhằm thúc đẩy hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong bất kỳ lần gặp gỡ, trao đổi, làm việc nào, Tổng Bí thư đều nhấn mạnh: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần phấn đấu để thực sự là mái nhà chung cho các hội văn học, nghệ thuật cả nước, thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam.

Nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, ông đã về với thế giới người hiền nhưng tình cảm, tấm lòng, tầm nhìn chiến lược và những hoạch định của ông cho văn học, nghệ thuật sẽ còn mãi trong lòng các văn nghệ sĩ.

Nhớ ông, đội ngũ văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự lớn lao và trách nhiệm vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân, với dân tộc, đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật cao quý của nước nhà, đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng trong thời đại mới.

HOÀNG THƯƠNG
(0) Bình luận
Tấm lòng, tình cảm với văn học, nghệ thuật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng