Hỏi: Công ty tôi vừa cho một số công nhân tạm hoãn hợp đồng lao động do giảm đơn hàng. Vậy việc tạm hoãn hợp đồng khác gì hủy hợp đồng, chấm dứt hợp đồng?
Pháp luật có quy định thời gian tối đa mà công ty được hoãn hợp đồng với nhân viên không? Trong thời gian hoãn, công ty có phải thực hiện nghĩa vụ gì với nhân viên?
TRẦN VĂN HƯNG (Cẩm Giàng)
Trả lời: Theo quy định của pháp luật, tạm hoãn hợp đồng khác hoàn toàn với việc hủy, chấm dứt hợp đồng.
Cụ thể, khi hợp đồng lao động chấm dứt, quan hệ lao động giữa các bên cũng sẽ không còn tồn tại. Các bên không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ lao động.
Còn khi tạm hoãn hợp đồng, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động đã cam kết chỉ bị tạm ngưng trong một thời gian nhất định, chứ không chấm dứt hoàn toàn.
Các trường hợp được phép tạm hoãn hợp đồng, quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật Lao động, như người lao động đi nghĩa vụ quân sự, bị tạm giữ, tạm giam, lao động nữ mang thai... và một số trường hợp khác.
Hiện luật không quy định về thời gian tối đa mà công ty được hoãn hợp đồng mà điều này do thỏa thuận hai bên.
Cũng theo các quy định tại điều 30 Bộ luật Lao động, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, việc nhận lại người lao động được Bộ luật Lao động quy định tại điều 31. Cụ thể, 15 ngày từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc. Người sử dụng phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng còn thời hạn (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác).