Ở tỉnh ta từng có 3 tấm bia mang quốc hiệu Việt Nam. Nhưng qua thời gian, đến nay chỉ còn duy nhất tấm bia được tạc trên vách động Kính Chủ.
Tấm bia được khắc tại vách bên trái cửa động Kinh Chủ
Bảo vật trên vách động“Tuy là tấm bia ghi nhận quốc hiệu Việt Nam thời kỳ đầu duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh song tấm bia vẫn chưa được nghiên cứu hay quan tâm giới thiệu”. |
|
Động Kính Chủ nằm ở dãy núi đá vôi Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn). Qua hệ thống bậc đá, động trải rộng, ăn sâu vào lòng núi phơi bày những thạch nhũ. Với cảnh thiên tạo kỳ thú, động được người xưa tạo thành nơi thờ Phật, thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả.
Ở bên vách trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh thư” (Phạm Sư Mệnh viết). Đây vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh, một vị quan nổi danh thời Trần. Với sự đặc sắc đó, di tích lịch sử động Kính Chủ được xếp hạng quốc gia ngay trong đợt đầu tiên (28-4-1962).
Ngoài sự kỳ thú của các hang động, Kính Chủ còn hấp dẫn bởi hơn 50 bia đá lớn nhỏ được tạc trực tiếp vào vách đá. Với cảnh đẹp được xếp vào 1 trong 6 động đẹp nhất trời Nam, nhiều bậc vua chúa, danh nhân, sư sãi, du khách các thời đã từng đến đây, cảm xúc trước cảnh thiên nhiên đã đề thơ để lại trên vách đá. Những dòng này cùng quá trình tu tạo di tích đã được những người thợ đá Kính Chủ gửi vào các văn bia, đưa Kính Chủ trở thành nơi duy nhất ở nước ta có nhiều bia được khắc trên vách đá.
Trong hệ thống văn bia ở đây, đáng chú ý là tấm bia “Đăng Thạch Môn Lưu Đề” ở cửa động khắc trung thành nét bút của Phạm Sư Mệnh nhân chuyến ông đi duyệt binh các lộ đông bắc lên núi quê nhà xúc động viết thành thơ vào năm 1368. Còn tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông, chủ súy hội Tao Đàn nhân chuyến ông đến thăm vào mùa xuân năm 1487.
Nhưng ít ai biết, ở đây còn có một tấm bia đặc biệt nói đến quốc hiệu Việt Nam. Tấm bia có tên “Việt Nam Gia Long thập bát niên” được khắc tại vách bên trái cửa động, ngay sát tấm bia “Đăng Thạch Môn Lưu Đề” của Phạm Sư Mệnh. Bia có một mặt, khắc hằn vào vách đá, kích thước 58 cm x 71 cm, gồm 11 dòng, 171 chữ Hán, không có hoa văn. Theo bản dịch của ông Đặng Văn Lộc, nguyên Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, nội dung tấm bia viết: "(Nước) Việt Nam, ngày 9 tháng 9 năm Gia Long thứ 18 (1819), Tri phủ Kinh Môn là Nguyễn Giản quê ở xã An Định, huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đến nơi đây (động Kính Chủ), kính cẩn chiêm ngưỡng nét chữ khắc vào đá, nơi trời xanh núi cao; tưởng tượng giọng thơ của bậc quý kính viết ở lần duyệt binh ngày trước. Nói rằng Lương Công khổ tâm đưa ánh sáng tới nơi u tối, tiên phong duy trì chế độ trang phục quyền quý bậc quan như thời nước Sở. Bậc gia huynh Nguyễn Bảng, huyện Doãn huyện Vũ Giang cũng vui thích việc xưa, bèn viết. Núi Dương Nham kề nhau, đều mang phong cảnh thiên đình, không có đường lên. Thơ Phạm Công (Phạm Sư Mệnh) ngày trước, thơ của Phạm Công ngay trước mặt, nay nhớ người thơ ở nơi nào? Đã nửa thiên niên kỷ chịu gió mưa nơi đá núi. Nơi ấy lúc gió nhè nhẹ lại hiện vẻ đẹp thần tiên của sao Liễu (một vì sao trong Nhị thập bát tú). Ông như thể, vừa thấy lại như không thấy. Con thuyền thời vua Trùng Hưng (tức Trần Nhân Tông 1285 - 1293) đã xa vời, trâu nối ngựa lên trời, hoa sang độ úa, ngọc khuê chuyển màu, sông chỉ rì rào sóng (dịch ý)…”.
Vậy quốc hiệu nước Việt Nam có từ khi nào? Theo một số tài liệu, năm 1789, Quang Trung sau khi đánh bại các tập đoàn cát cứ Trịnh, Nguyễn và quân Mãn Thanh, thống nhất hai miền Nam - Bắc, lập ra nhà Tây Sơn vẫn thừa kế tiền triều đặt tên quốc gia là Đại Việt. Năm 1802, Gia Long đánh đổ nhà Tây Sơn lập ra nhà Nguyễn và sau đó 2 năm công bố lấy quốc hiệu quốc gia là Việt Nam. Có nhận định, tên gọi Việt Nam có thể xuất hiện sớm hơn. Cuối thế kỷ 14 đã có bộ sách nhan đề Việt Nam thế chí. Quốc hiệu Việt Nam cũng xuất hiện trong các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm (đầu thế kỷ XVI). Hiện các nhà sử học đã tìm được hàng chục bia có ghi quốc hiệu Việt Nam từ thế kỷ XVI - XVIII, tức trước đời vua Gia Long. Tuy vậy, năm Giáp Tý (1804), thời vua Gia Long, triều Nguyễn là thời điểm chính thức quốc hiệu Việt Nam được sử dụng.
Cần bảo quản chu đáoÔng An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trên địa bàn Hải Dương từng có 3 tấm bia có ghi Quốc hiệu Việt Nam gồm: bia “Tường Vân bi ký” khắc dựng năm 1656 tại xã Việt Hưng (Kim Thành), bia “Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký” khắc dựng năm 1599 tại ngôi chùa ở xã Hiệp Hòa và bia “Việt Nam Gia Long thập bát niên” khắc dựng năm 1819 tại động Kính Chủ, xã Phạm Mệnh (đều của huyện Kinh Môn). Trải qua thời gian, đến nay hai tấm bia chùa Bảo Lâm và chùa Tường Vân đã thất lạc, chỉ còn duy nhất tấm bia tại động Kính Chủ. Đây là một trong những cổ vật quý hiếm cần được bảo quản chu đáo để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lâu dài. Nó có ngày tháng, tên người viết và địa điểm cụ thể, ghi nhận quốc hiệu Việt Nam sau 15 năm vua Gia Long chính thức đặt tên. Điểm đặc biệt trên văn bia là chữ quốc hiệu “Việt Nam” được viết cao hơn và khắc ngay tại dòng đầu tiên thể hiện sự trân trọng của người viết với đất nước.
Tuy là tấm bia ghi nhận quốc hiệu Việt Nam thời kỳ đầu duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh song tấm bia vẫn chưa được nghiên cứu hay quan tâm giới thiệu. Bản thân những người làm công tác thuyết minh tại khu di tích động Kính Chủ cũng không hiểu nhiều về tấm bia cũng như giá trị của nó. Chị Nguyễn Thùy Linh công tác tại đây cho biết, hằng ngày làm công tác thuyết minh cho du khách tham quan song ít khi để ý đến tấm bia này. Nguyên do, đến nay chưa có tài liệu nghiên cứu cụ thể nào về tấm bia để Ban Quản lý di tích có kế hoạch tuyên truyền giới thiệu rộng rãi.
Được biết, nhiều năm trước, các văn bia tại động Kính Chủ đã được Bảo tàng tỉnh dập in để tiến hành lưu giữ nghiên cứu. Thiết nghĩ, Bảo tàng tỉnh nên có một công trình nghiên cứu về tấm bia mang giá trị lịch sử dân tộc đặc biệt này, phục chế đưa vào trưng bày để giới thiệu đến nhân dân trong, ngoài tỉnh. Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn cần phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành văn hóa nghiên cứu, dịch thuật, xây dựng bảng giới thiệu giá trị lịch sử, nội dung tấm bia “Việt Nam Gia Long thập bát niên” cũng như một số văn bia có giá trị đặc sắc ở động Kính Chủ để du khách tham quan tìm hiểu.
NGỌC HÙNG