Mặc dù biến thể Omicron đang lây lan ở Mỹ với tốc độ kỷ lục, nhưng không phải ai sống chung với người mắc COVID-19 cũng bị lây bệnh.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York
Theo Yahoonews, vaccine COVID-19 rất hiệu quả trong ngăn ngừa ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng có thể xảy ra ca mắc “vượt rào”, tức là tiêm vaccine rồi nhưng vẫn mắc bệnh dù triệu chứng nhẹ hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bất kỳ ai nhiễm Omicron đều có thể lây lan virus cho người khác, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, tại thời điểm này, nếu một hộ gia đình có một người dương tính với COVID-19, thì những người còn lại có mắc hay không bất kể tình trạng tiêm chủng?
Theo Tiến sĩ Lucy McBride, một bác sĩ ở Washington, D.C., không nhất thiết ai sống cùng hộ gia đình cũng mắc COVID-19. Bà giải thích rằng con người và virus liên quan tới nhau theo những cách khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau.
Tiến sĩ Lucy McBride cho rằng có thể lấy virus cúm làm ví dụ để so sánh với virus SARS-CoV-2 mà Omicron là biến thể mới nhất. Không phải hai virus này đều giống nhau, nhưng có thể có trường hợp người mắc cúm trong gia đình lây cho người này mà không lây cho người khác. Tương tự, có thể gặp trường hợp người mắc COVID-19 trong gia đình chỉ lây cho một số đối tượng và “bỏ qua” cho những đối tượng khác.
Việc một người có nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19 trong gia đình hay không phụ thuộc trực tiếp vào lượng virus do người dương tính với COVID-19 thải ra, các điều kiện trong không gian đó, hệ thống miễn dịch và tình trạng tiêm chủng của người bị phơi nhiễm.
Có người hít một tải lượng virus nhỏ từ người bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có người hít phải một tải lượng virus lớn. Nói cách khác, mỗi người có thể đã hít phải một lượng virus khác nhau.
Ngoài ra, mỗi người đều có phản ứng khác nhau đối với virus dựa trên tình trạng bệnh nền, hệ thống miễn dịch và các yếu tố khác.
Ví dụ, nếu tiếp xúc với nguồn virus trong một căn phòng lớn có cửa sổ mở, thì mức độ phơi nhiễm sẽ khác với một người ngủ cùng phòng với người dương tính với COVID-19. Sống chung ca mắc COVID-19 nhưng nếu đã tiêm ba mũi vaccine, là một người trẻ, khỏe mạnh, thì kết quả là người đó có thể không bị mắc bệnh. Những người được tiêm chủng thường ít bị bệnh hơn những người không được tiêm chủng hoặc có các bệnh nền.
Vì vậy, không phải cứ sống chung với người mắc COVID-19 thì sẽ nhất định mắc bệnh theo.
Tuy nhiên, lây truyền trong gia đình là vấn đề phổ biến nhất trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ. Lý do khiến virus lây lan nhanh và rộng trong hộ gia đình là vì khi ở nhà, mọi người thường không đeo khẩu trang và ở gần nhau.
Với Omicron, mọi người có thể truyền virus cho người khác ngay sau một ngày kể từ khi họ bị nhiễm cho đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Nhưng khoảng thời gian lây lan phổ biến hơn là từ 24 giờ trước khi phát triển các triệu chứng và 5 ngày sau khi phát triển các triệu chứng. Dù vậy, tất nhiên, các khoảng thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi người.
Theo Tiến sĩ McBride, mọi người cần tuân theo các hướng dẫn của CDC và cách ly trong 5 ngày, đeo khẩu trang từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 và thận trọng trong thời gian đó. Bà nói: “Tôi cũng khuyến nghị các bệnh nhân rằng nếu họ có đủ khả năng chi trả và có thể tiếp cận, hãy thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh vào ngày thứ 5 để cách ly. Nếu kết quả là âm tính vào ngày thứ 5, có thể khá chắc chắn rằng người đó không lây cho người khác. Nếu kết quả dương tính, cần kiểm tra lại vào ngày thứ sáu. Nếu bạn có kết quả âm tính vào ngày thứ 6, bạn có thể không cần cách ly”.
Theo báo Tin tức