Tai nạn giao thông rình rập người đi bộ

01/03/2019 11:48

Việc chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông nên tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ xảy ra ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn.


Tình hình giao thông lộn xộn cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ va chạm, tai nạn giao thông liên quan tới người đi bộ

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) nên tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người đi bộ xảy ra ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn.

Đâu là nguyên nhân?

Là lái xe con chạy dịch vụ nên anh Nguyễn Thành Anh ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) thường xuyên chở khách qua quốc lộ 38 về TP Hải Dương. Vừa qua, anh phải mang xe đến một gara ô tô trên đường Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương) để sơn lại. Nguyên nhân do trước Tết Nguyên đán, đang chở khách trên quốc lộ 38 đoạn xã Lương Điền (Cẩm Giàng), anh phải bẻ lái đột ngột để tránh một phụ nữ đi bộ sang đường. Đáng nói là người phụ nữ này vừa đi vừa nghe điện thoại. Mặc dù va chạm nhẹ, song người phụ nữ bị sây sát khá nhiều ở phần mặt, còn ô tô của anh Anh quẹt vào chậu cây cảnh ven đường. Anh cho biết nếu không phải lái xe chuyên nghiệp, không xử lý nhanh thì rất dễ "chết oan" bởi tình huống đó. "Mặc dù không phải lỗi của tôi, nhưng do sát Tết, lại đang có khách trên xe và người nhà chị kia ra gây áp lực, để ổn thỏa tôi đành phải rút ví bồi dưỡng 1,3 triệu đồng. Cũng may cho chị ấy vì nếu đi lại như thế gặp ô tô chở container thì không biết thế nào", anh Anh bức xúc.

Chuyện anh Anh gặp phải không phải là hiếm, nhiều người phàn nàn lâu nay lái xe đi đúng đường nhưng vẫn phải nhường người đi bộ sai luật. Nhiều người đi bộ sai nhưng tỏ ra khó chịu khi không được nhường đường hoặc nghe tiếng còi cảnh báo. Ở các khu vực đô thị, mặc dù hầu hết các tuyến đường, phố có bố trí vạch sơn kẻ đường cho người đi bộ, song ít phát huy tác dụng. Người dân thường sang đường tại bất cứ điểm nào thuận lợi nhất. Tại các nút giao có tín hiệu đèn, khi đèn dành cho người đi bộ đang đỏ, không ít người vẫn đi vụt qua giữa dòng phương tiện. Tình trạng người dân phá dải phân cách hoặc băng qua dải phân cách giữa không có rào chắn trước đầu xe ô tô, xe máy vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường.

Tai nạn, va chạm liên quan đến người đi bộ còn do vỉa hè tại nhiều đô thị bị lấn chiếm nên người dân phải đi dưới lòng đường. Người điều khiển phương tiện thiếu tập trung quan sát, không chủ động giảm tốc độ khi đến phần đường dành cho người đi bộ... cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số vụ TNGT liên quan tới người đi bộ.

Trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ làm 21 người chết, 7 người bị thương. Trong đó có 13 vụ xảy ra giữa người đi bộ với ô tô, 7 vụ giữa người đi bộ với mô tô... So với năm 2017, TNGT liên quan đến người đi bộ tăng 7 vụ, tăng 6 người chết và 5 người bị thương.


Việc xử lý bất cập về hạ tầng giao thông cần được thực hiện nhanh chóng để giúp người đi bộ an toàn. Trong ảnh: Tại một số điểm của quốc lộ 5, người dân muốn lên cầu vượt phải đi bộ sát với làn xe cơ giới

Đi bộ cũng phải đúng luật

Ngay đầu năm 2019, lúc 14 giờ ngày 21.1 trên quốc lộ 5 đoạn qua xã Kim Lương (Kim Thành) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 8 người chết, 8 người bị thương. Đây là vụ TNGT thảm khốc nhất trong tỉnh từ trước đến nay. Lái xe có sử dụng ma túy. Tất cả nạn nhân đều đang đi bộ ngược chiều đường để lên cầu vượt.

Thực tế, nhiều người đi bộ trên đường theo thói quen, không tuân thủ chỉ dẫn, thậm chí không để ý là đi bộ cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo Luật Giao thông đường bộ, người đi bộ phải chấp hành 5 quy định. Đó là phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì phải đi sát mép đường. Chỉ được qua đường ở nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường...

Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ về các mức xử phạt đối với người đi bộ sai luật. Song thực tế tại Hải Dương hầu hết các trường hợp đi bộ sai luật chưa bị xử lý, vì vậy tính răn đe chưa cao. Để hạn chế TNGT với người đi bộ, các cơ quan chức năng cần định kỳ thống kê, phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT, chỉ rõ đúng - sai, xử lý đúng luật đối với người đi bộ để cảnh báo, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức và hành động. Cùng với đó, việc xử lý tình trạng vi phạm lòng lề đường, vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định chiếm dụng đường của người đi bộ; những bất cập về hạ tầng giao thông cần triệt để hơn...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Tai nạn giao thông rình rập người đi bộ