Cảm thấy tự tin khi nói "Không" có thể giúp mọi người đặt ra ranh giới rõ ràng và nhất quán trong các mối quan hệ của mình.
Đôi khi, văn hóa xã hội dạy chúng ta rằng từ "Không" là bất lịch sự và thiếu tính xây dựng. Nhưng không dám nói từ này đồng nghĩa với việc bạn phải làm những việc bản thân không muốn.
Từ "Không" có những lợi ích rõ ràng. Nói "Không" có thể tạo ra sự ổn định hơn về sức khỏe tâm thần bằng cách giúp bạn tự chăm sóc bản thân và xây dựng lòng tự trọng cũng như sự tự tin, thông qua việc thiết lập các ranh giới.
Nói "Không" với một số điều nhất định có thể là cách chăm sóc bản thân. Từ chối làm những điều mình không thích để dành thời gian hoặc năng lượng cho những việc giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Nói "Không" cũng có thể có hiệu quả trong việc kiểm soát các kết nối xã hội của chính mình. Ví dụ, bạn thấy rằng không phải ai cũng là bạn bè và bạn có thể từ chối lời mời kết bạn trên mạng xã hội. Đôi khi những bước nhỏ hướng tới việc thiết lập ranh giới này có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của bạn.
Ngoài ra, tất cả chúng ta đều có những vai trò khác nhau trong công sở, gia đình, bao gồm nghĩa vụ với xã hội và con cái, người thân. Việc nói "Không" giúp thiết lập ranh giới và cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần. Ví dụ, nếu bạn có thể nói "Không" với một cuộc gọi hoặc cuộc họp ngoài giờ làm việc, bạn có thể có thời gian nhiều hơn cho tổ ấm. Điều cần lưu ý là những ranh giới có thể linh hoạt. Nên dành thời gian để đánh giá lại ranh giới của mình, có tính đến những ưu và nhược điểm. Điều cần lưu ý là các ranh giới không nhất thiết phải là vĩnh viễn.
Nói ra từ "Không" có thể sẽ khó khăn, tuy nhiên, bạn có nhiều cách để làm việc này dễ dàng hơn một chút.
Một trong những bước đầu tiên để khai thác sức mạnh của việc nói "Không" là tìm cách nói sao cho bạn cảm thấy tự nhiên và chân thực. Trong trường hợp này, "phương pháp bánh sandwich" trở nên hữu ích.
Cách này được thực hiện thông qua việc lồng ghép một thứ gì đó được coi là tiêu cực vào giữa hai mặt tích cực. Nói với đối phương điều gì đó tích cực, sau đó là từ chối và kết thúc bằng điều gì đó mang tính hỗ trợ hoặc tích cực.
Ví dụ, bạn có thể nói: "Cảm ơn vì đã mời tôi nhé, tôi thực sự cảm kích. Tuy nhiên, tôi bận quá, không thể góp mặt. Tôi vẫn rất muốn gặp bạn vào lần tới nên tôi sẽ cố gắng thu xếp thời gian tới".
Theo nhà trị liệu Keisha Moore tại Menninger Clinic (Mỹ) trước khi nói "Không", bạn nên suy ngẫm về cảm xúc của mình, điều này có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi nói lời từ chối. Cần nhớ rằng nhu cầu của bạn rất quan trọng và những quyết định của bạn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian cũng như sức lực cá nhân.
Theo VnExpress