Sức ép giá hàng tiêu dùng tăng

18/03/2022 11:02

Việc giá xăng dầu tăng kéo theo giá nhiều mặt hàng tăng. Nhiều người tiêu dùng đã phải thay đổi thói quen mua sắm, sinh hoạt để giảm chi phí.


Nhiều người tìm cách thắt chặt chi tiêu khi nhiều mặt hàng tăng giá

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xăng dầu tăng giá liên tục kéo theo nhiều mặt hàng cũng tăng theo. Đời sống của người dân vốn đã khó khăn bởi dịch nay lại càng thêm gánh nặng.

Xăng dầu, gas liên tục tăng giá 

Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 11.3), xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 2.908 đồng/lít,  xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít. Từ đầu tháng 3, giá gas bán lẻ trong nước tăng 42.000 đồng/bình 12kg. Sau khi được điều chỉnh, giá các loại gas dao động ở mức hơn 500.000 đồng/bình 12kg tùy loại. Đây là lần tăng giá bán lẻ gas thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2022 đến nay. 

Đại diện Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết theo quy luật thị trường, khi xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo hầu hết các mặt hàng, dịch vụ tăng giá theo bởi đây là mặt hàng chiến lược, là yếu tố cấu thành giá thành của nhiều sản phẩm. 

Theo bảng giá thị trường Hải Dương ngày 15.3 của Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh và khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh, hiện giá thịt lợn từ 90.000-140.000 đồng/kg, thịt vịt làm sẵn 70.000 đồng/kg, thịt gà ta làm sẵn 90.000-100.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp 60.000 đồng/kg, thịt bò từ 250.000-300.000 đồng/kg, khoai tây 13.000-15.000 đồng/kg, khoai sọ 20.000-22.000 đồng/kg, dầu ăn Simply 60.000 đồng/lít... Các mức giá trên tăng từ 2.000-10.000 đồng so với hồi đầu tháng 3. Khi được hỏi, nhiều tiểu thương cho rằng, giá các mặt hàng còn có thể tiếp tục nhích lên do giá nhập hàng ở nơi phân phối, đầu mối cũng rục rịch tăng.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,23% so với tháng 1, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm ngoái; bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Theo Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá hoặc giá các hàng hóa có dấu hiệu tăng đột biến, bất thường. 

Xoay xở

Là chủ cửa hàng kinh doanh online trên phố Hai Bà Trưng, phường Quang Trung (TP Hải Dương), chị Nguyễn Thị Hương đang bối rối với bài toán tính phí giao hàng cho khách. Nhà chị Hương tự giao hàng nên mỗi đơn trong nội thành có giá chung là 10.000 đồng. Giao hàng đi huyện thì phụ thuộc vào phí của bên giao hàng và chị Hương sẽ hỗ trợ mỗi đơn từ 5.000-10.000 đồng. Khi giá xăng tăng lên khoảng 25.530 đồng/lít chị Hương vẫn cố gắng giữ nguyên mức giá giao hàng, nhưng đến khi xăng tăng lên tới gần 30.000 đồng/lít thì rất khó để duy trì giá giao hàng này.

"Nếu tính phí giao hàng cao thì tôi sẽ mất khá nhiều khách hàng. Nhưng không tăng thì tôi gần như không có lãi", chị Hương cho biết. Việc tự ship hàng đã giúp giảm chi phí khá nhiều so với việc thuê đơn vị giao hàng, nhưng việc giá xăng tăng phi mã đã khiến các cơ sở kinh doanh online buộc phải tự cắt bớt phần lãi nếu không muốn tăng giá.

"Xăng tăng giá nên thay vì đi nhiều chuyến trong ngày, cửa hàng thu gọn chỉ đi 1-2 chuyến/ngày. Trước khi đi sẽ gọi điện hẹn khách hàng ở đúng địa chỉ để giao hàng, tránh phải vòng đi vòng lại nhiều lần. Với những khách hàng ở gần tôi cũng khuyến khích lấy trực tiếp tại cửa hàng", chị Hương cho biết thêm. 

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh bị ảnh hưởng, mỗi người dân cũng đều cảm nhận rõ những ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá xăng tăng cao. Anh Vũ Văn Trung ở phố Nguyễn Thị Định, phường Hải Tân (TP Hải Dương) đang làm việc tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Do tính chất đặc thù công việc phải trực ca nên thường 2-3 ngày, anh Trung lại tự lái xe ô tô về nhà. Từ khi giá xăng tăng, anh Trung đã chuyển sang đi xe buýt và một tuần mới về nhà một lần. 

Nhiều mặt hàng tăng giá cũng khiến cho những người nội trợ phải đau đầu với bài toán chi tiêu. Hạn chế mua sắm là cách được nhiều người lựa chọn nhằm thắt chặt chi tiêu. Nhiều người đã lên danh sách mặt hàng cụ thể trước khi đi siêu thị, chợ thay vì mua sắm tùy ý, hoặc phát sinh ngoài dự định như trước đây. Người thì tích cực "săn" hàng khuyến mãi để có thể mua hàng với mức giá ưu đãi nhằm tiết kiệm chi phí. Nhiều gia đình dù có ô tô nhưng từ khi giá xăng tăng cũng đành chuyển sang đi xe máy hoặc xe máy điện, xe đạp điện để giảm chi phí sinh hoạt. 

HOA TRANG 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sức ép giá hàng tiêu dùng tăng