"Hạc Hồng" đã chĩa ngòi bút đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực của xã hội, với những dấu hiệu suy thoái về đạo đức...
Trong lĩnh vực văn xuôi đương đại, một số cây bút đã bắt kịp hơi thở của thời đại nhưng không phải nhà văn nào cũng dũng cảm đặt ra các vấn đề đó một cách trực diện. Với niềm say mê sáng tạo nghệ thuật cùng những trải nghiệm và trăn trở của người cầm bút, nhà văn Lê Hoài Nam đã không né tránh khi đặt bút khai thác những lĩnh vực được cho là nhạy cảm, đồng thời gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc qua tiểu thuyết "Hạc Hồng". Tiểu thuyết vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành.
“Hạc Hồng” có dung lượng vừa phải (370 trang) đã dựng lại một cách chân thực, sinh động bức tranh xã hội với những diễn biến phức tạp có sự đan xen chuyện đời và chuyện đạo, cái tốt và cái xấu, cái chân thực và cái giả dối. Bối cảnh không gian của tác phẩm là một vùng quê yên ả, thanh bình thuộc một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Nắm bắt được thực trạng xã hội đương thời, nhà văn Lê Hoài Nam đã xây dựng những chân dung nhân vật tiêu biểu để phản ánh biết bao vấn đề nóng bỏng, từ chuyện mua quan bán chức, tham ô tham nhũng đến chuyện ô nhiễm môi trường, chuyện làm từ thiện, khám chữa bệnh… Ám ảnh nhất là tình trạng những sinh linh bị tước bỏ quyền sống ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bị cho vào những túi nilon và vứt xuống dòng sông Vạm. Những vấn đề nhức nhối đó diễn ra trong một xã hội mà bề ngoài tưởng như thanh bình, êm ả, được nhà văn phơi bày ra ánh sáng thanh thiên bạch nhật và giải quyết một cách tự nhiên nhờ sức mạnh kỳ diệu của tôn giáo và lòng tin vào Đức Chúa Giê-su.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là ông Lương Hải Hựu - Phó Giám đốc sở, người phải làm đơn xin nghỉ hưu sớm trước tuổi vì mệt mỏi và buông xuôi trước những đấu đá bon chen, mưu kế của đồng nghiệp. Về hưu, cũng là lúc ông tĩnh tâm để nhìn lại cuộc đời mình, những mất mát và nhiều điều đã gây dựng được từ thực lực, tâm huyết của ông. Về hưu, ông có thời gian để lắng nghe cơ thể mình lên tiếng. Sau khi phát hiện bị tiểu đường, ông được con gái Lương Hải An - một giáo viên dạy văn đồng thời là Phó Hiệu trưởng một trường THPT đưa đến Phòng khám Hoa Huệ điều trị. Đó là phòng khám của nhà thờ, do vị linh mục Dương Khắc Thiệu phụ trách. Ông còn được con gái hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội để tiếp cận với những vấn đề xảy ra hằng ngày, hằng giờ mà con người ở thời đại công nghệ 4.0 không thể không biết. Vốn là một cựu quân nhân, sau đó chuyển ngành từ quân đội về cơ quan dân sự, làm cán bộ cấp sở bao nhiêu năm thì không dễ gì mà Lương Hải Hựu có thể đón nhận những bài giảng đạo của linh mục Thiệu áp lên Facebook vào mỗi dịp cuối tuần. Sự e dè, cảnh giác ở ông là tâm lý tất yếu của một người từng vào sinh ra tử. Nhưng nhờ mắt thấy tai nghe những việc làm chân chính của nhà thờ, của linh mục, ông đã có cái nhìn thiện cảm hơn với đạo Ki-tô, với những bài thuyết giáo của linh mục. Những vấn đề bức xúc mà xã hội không thể hoặc chưa thể giải quyết thì đền thánh Hải Hà đã chìa tay ra, như xây nghĩa trang Thiên Thần làm nơi an nghỉ cho hàng nghìn hài nhi xấu số, mở Phòng khám Hoa Huệ để khám chữa bệnh cho nhân dân với mức chi phí thấp, là nơi trú ngụ cho những người cơ nhỡ... Chúa nhân từ và bao dung. Điều đó rất gần với triết lý của nhà Phật bởi Phật từng dạy rằng: “Tài sản lớn nhất của đời người là lòng khoan dung”.
Như vậy, mục đích của Lê Hoài Nam không phải là hướng người đọc đến một niềm tin tuyệt đối vào Chúa mà nhà văn khẳng định giáo lý của Thiên Chúa rất gần gũi với đời sống của nhân loại, luôn hướng con người ta đến cái thiện, diệt trừ cái ác. Nhà văn đã xây dựng nhân vật linh mục Dương Khắc Thiệu - sứ giả của Nước Chúa, người từng tham gia cuộc chiến Tây Nam, chứng kiến tội ác man rợ của quân Pôn Pốt, ám ảnh đến nỗi mắc bệnh trầm cảm, tìm đến nương náu dưới chân Chúa như một cơ duyên, như được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Cốt truyện "Hạc Hồng" có sự lôi cuốn đặc biệt bởi những tình tiết bất ngờ, sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Thành công của tiểu thuyết “Hạc Hồng” là đã phản ánh chân thực tình trạng đạo đức xã hội có nguy cơ bị xói mòn vì đồng tiền ngự trị, vì lối sống thực dụng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo thoái hóa biến chất. Làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết từ trang đầu đến trang cuối là bởi cách kể chuyện lôi cuốn của Lê Hoài Nam. Nhà văn đã kín đáo giấu đi nhiều tình tiết về lai lịch của các nhân vật. Càng đọc, ta càng bị cuốn vào nội dung câu chuyện, như một độc giả tò mò trên hành trình khám phá ý nghĩa của nhan đề tiểu thuyết và khám phá mối quan hệ giữa các nhân vật trong tác phẩm.
"Hạc Hồng" đã chĩa ngòi bút đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực của xã hội, với những dấu hiệu suy thoái về đạo đức, không chỉ gợi ra sự căm ghét, không chỉ là nơi nhà văn trút bỏ ẩn ức, bức xúc của mình mà cao hơn tác phẩm còn giúp công chúng nhận thức, tìm cách vượt qua cái xấu, cái bất công, phi lý bằng niềm tin sâu sắc vào những con người giữ vững được phẩm chất, cốt cách trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.
NAM HỒNG