Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng

13/12/2017 13:58

Bắt đầu từ ngày 1.1.2018, một số quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH)2014 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, giúp người lao động có quyền lợi cao hơn, nhưng có thể gây khó cho doanh nghiệp.


Từ ngày 1.1.2018, lao động hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tăng chi phí

Một trong những quy định mới là bổ sung một số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải đóng BHXH bắt buộc. Theo quy định cũ, người lao động làm việc từ đủ 3 tháng trở lên mới phải đóng. Ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo cho biết điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì người lao động phải mất thời gian học việc từ 1-3 tháng mới đáp ứng được yêu cầu công việc. "Doanh nghiệp chúng tôi hiện có 7 lao động khuyết tật. Thời gian để họ đáp ứng được công việc còn dài hơn, có thể lên tới cả năm. Thời gian dưới 3 tháng còn là giai đoạn nhiều lao động có tư tưởng nhảy việc", ông Giang nói.

Một thay đổi khác khiến các doanh nghiệp phải dành ra một khoản khá lớn, bổ sung vào quỹ đóng BHXH cho người lao động là thu nhập phải đóng BHXH bắt buộc không chỉ bao gồm tiền lương mà cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (như phụ cấp chức vụ, chức danh, phụ cấp khu vực, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên...).

Ông Đặng Văn Việt, Giám đốc Công ty CP Trúc Thôn cho biết doanh nghiệp đang phải đóng BHXH cho gần 500 công nhân mất khoảng 7 tỷ đồng/năm. Từ ngày 1.1.2018, theo quy định mới, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức 14 tỷ đồng/năm trong khi lợi nhuận của công ty chỉ đạt khoảng 7 tỷ đồng/năm. "Nếu không giải quyết tốt bài toán hạ giá thành sản phẩm, công ty sẽ không có lãi", ông Việt cho biết.

Mức đóng BHXH tại Việt Nam đang cao nhất khu vực ASEAN, lên tới 32% mức lương tháng (doanh nghiệp đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%). Trong khi đó, cùng khu vực, Malaysia chỉ đóng BHXH chiếm 13% lương tháng, Philippines 10%, Indonesia 8%, Thái Lan 5%... Mức đóng BHXH cao không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động.

"Dù mức đóng cao thì mức hưởng sau này của người lao động cũng cao nhưng nguồn thu trước mắt của họ bị cắt giảm, khó khăn cho chi tiêu, sinh hoạt khiến họ cảm thấy không an tâm", ông Việt cho biết thêm.

Biện pháp gỡ khó


Công ty TNHH May Tinh Lợi đã chuẩn bị sẵn sàng chấp hành quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi)

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, song hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã có những bước chuẩn bị, sẵn sàng chấp hành nghiêm những quy định mới. Giữa tháng 11, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tổ chức diễn đàn "Lao động và BHXH - Khó khăn vướng mắc nhìn từ góc độ doanh nghiệp". Đại diện BHXH tỉnh đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp xung quanh những quy định mới của Luật BHXH 2014 (sửa đổi).

Bà Trần Thị Vượng, Phó tổng giám đốc phụ trách hành chính, nhân sự Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết hiện công ty có khoảng 17.000 lao động, tiền đóng BHXH mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Những khoản tăng thêm khó xác định được vì có tính biến động. Cơ quan BHXH lại chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng công ty luôn dành ra một khoản kinh phí đủ cho việc thực hiện quy định mới.

Ngoài tìm hiểu kỹ quy định mới, các doanh nghiệp đều tiến hành rà soát lại lao động hợp đồng thời vụ. Ông Đặng Văn Việt cho biết để thực hiện tốt chính sách mới cho người lao động và gỡ khó doanh nghiệp, đơn vị sẽ cắt giảm bộ phận kém hiệu quả, thay thế máy móc, thiết bị, cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm.

Theo Luật BHXH 2014 (sửa đổi), người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho người lao động sẽ bị phạt từ 50 - 200 triệu đồng, có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm. Đại diện hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng quy định này là hợp lý vì thực tế vẫn có những doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Thực hiện nghiêm những quy định trên, vừa để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan BHXH và các ngành chức năng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm các trường hợp sai phạm. Đồng thời có sự hướng dẫn cụ thể cách thực hiện cho các đơn vị sử dụng lao động. "Chúng tôi mong muốn phía cơ quan BHXH nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để chúng tôi chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh", bà Trần Thị Vượng đề nghị.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng