Các nhà khoa học khẳng định tín hiệu đáng ngờ không đến từ người ngoài hành tinh mà chỉ đơn thuần là do nhiễu sóng vô tuyến.
Mới đây, báo chí Trung Quốc vừa rộ lên thông tin phát hiện dấu hiệu của người ngoài hành tinh. Cụ thể, hôm 14.6, nhật báo Khoa học và Công nghệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đưa tin kính viễn vọng Sky Eye của nước này có thể đã phát hiện dấu hiệu của nền văn minh ngoài hành tinh.
Thông tin được trích dẫn từ Zhang Tongjie, nhà nghiên cứu chính của Viện Tìm kiếm Trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI), song, sau đó đã bị gỡ mà không rõ nguyên nhân.
Zhang cho biết đội nhóm của ông đã phát hiện ra 2 cụm tín hiệu đáng ngờ vào năm 2020 trong lúc đang thu thập dữ liệu của Sky Eye từ năm trước đó. Cũng trong năm này, một tín hiệu khác được thu thập từ dữ liệu quan sát các mục tiêu ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đến nhật báo Khoa học và Công nghệ, Zhang Tongjie viết tín hiệu đáng ngờ đó có thể không đến từ người ngoài hành tinh mà chỉ đơn thuần là do nhiễu sóng vô tuyến.
Cnet cho rằng khi nhận được tín hiệu lạ bên ngoài Trái đất, mọi người thường nghĩ ngay đến dấu vết của người ngoài hành tinh. Do đó, rất có thể nhật báo Khoa học và Công nghệ đã vội vã đăng tin và kết luận về dấu hiệu của nền văn minh ngoài hành tinh trong khi những dữ liệu thu thập chưa được xác minh bởi các bên thứ ba.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến các nhà khoa học đang nghiên cứu tại viện SETI vì một khi thông tin được rò rỉ quá sớm sẽ gây khó khăn cho quá trình kiểm tra độ xác thực của dữ liệu.
Kính viễn vọng Sky Eye đã khởi động chương trình tìm kiếm dấu hiệu người ngoài hành tinh từ tháng 9.2020 sau thời gian chạy thử nghiệm. Ảnh: AP |
Nhằm chứng thực những tin đồn về Sky Eye, Space đã liên hệ với Dan Werthimer, đồng sáng lập kiêm nhà khoa học chính của dự án SETI tại Đại học California, Berkeley (Mỹ). Ông hiện làm việc với các nhà nghiên cứu của viện SETI tại Đại học Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn, Werthimer phủ nhận khả năng về dấu hiệu của người ngoài hành tinh.
“Đây là những tín hiệu nhiễu sóng vô tuyến do hiện tượng ô nhiễm điện từ Trái đất, không phải từ người ngoài hành tinh. Chúng tôi gọi đây là nhiễu điện từ (RFI). RFI có thể đến từ điện thoại di động, sóng vô tuyến, radar, vệ tinh và các thiết bị điện tử, máy tính gần nơi quan sát”, Werthimer cho biết.
Theo chuyên gia, tất cả các tín hiệu SETI phát hiện được từ trước đến nay đều là của loài người, chưa có dấu hiệu từ người ngoài hành tinh.
“Rất khó để SETI quan sát vũ trụ từ bề mặt Trái đất. Hiện tượng ô nhiễm sóng điện từ ngày một trầm trọng vì xuất hiện ngày càng nhiều các máy phát sóng vô tuyến và vệ tinh. Thậm chí, SETI còn không sử dụng được một số dải tần nhất định”, Werthimer nói.
The Conversation còn cho biết Sky Eye rất nhạy cảm với dải vô tuyến tần số thấp do đó rất dễ bắt nhầm sóng vô tuyến. Trước đó, các nhà khoa học của SETI cũng từng mắc phải sai lầm này.
Năm 2021, kính viễn vọng vô tuyến Parkes "Murriyang" của CISRO (Úc) đã từng bắt được một tín hiệu bất thường có tên gọi là “BLC1”. Lúc bấy giờ, tín hiệu này được cho là phù hợp với các đặc điểm kỹ thuật của một nền văn minh ngoài hành tinh. Nhưng sau khi phân tích kỹ lưỡng, các nhà khoa học đã khẳng định đó không phải tín hiệu từ người ngoài hành tinh như con người mong đợi.
Theo Zing