Bài thơ chỉ có bốn câu, chia làm hai cặp lục bát và trải ra hai mươi tám từ. Tác giả Phạm Trọng Tuấn đã gói chặt, nén kỹ, ép đến mỏng tang thành hai vỉ lớn: Người dưng đi qua - tôi thì ở lại.
Hãy mở bài thơ ra để cùng thưởng thức:
"Ai mang đôi mắt lá răm
Hớ hênh qua ngõ cấy nhầm vào tôi"
‘‘Ai’’ một đại từ nói trống, ta cứ ngỡ vô tình. Ta có quen biết đâu - chỉ là đôi mắt - Nhưng đó là ‘‘đôi mắt lá răm’’. Đôi mắt đẹp, có nét cong mềm mại, vút lên duyên dáng. ‘‘Những người con mắt lá răm - Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền’’ (ca dao).
Người đẹp sao lại ‘‘hớ hênh’’ không kín đáo. Chỉ hớ hênh khi đi qua ngõ nơi ít người đi lại, ‘‘Tôi’’ lại ở trong ngõ, thế mới phiền. Sao người đẹp không hớ hênh trên đường làng, không hớ hênh nơi phồn hoa phố thị? ‘‘Đôi mắt lá răm’’ ấy không ‘‘dán nhầm’’, “gửi nhầm’’ mà là ‘‘cấy nhầm’’. ‘‘Cấy’’ để mà nuôi dưỡng, rồi sẽ sinh sôi, phát triển. ‘‘Đôi mắt lá răm’’ của ‘‘ai mang’’ đã cấy đúng chỗ, không cấy nhầm đâu! Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tâm hồn ai trong sáng, nhạy cảm. ‘‘Đôi mắt lá răm’’ đã nhìn cảnh ‘‘qua ngõ’’, nhìn người qua ‘‘tôi’’. Đó là cái nhìn có chủ ý, không hớ hênh, không vô tình, đừng nghĩ oan cho người đẹp!
Cặp lục bát mở đầu là của người ‘‘hớ hênh qua ngõ’’ nhẹ nhàng mà xuyên thấm. Mạch thơ bỗng vang lên một tiếng gọi ‘‘người dưng ơi’’ để rồi từ sâu thẳm nơi trái tim, ‘‘tôi’’ cứ phải theo mãi, đi mãi đến ‘‘một đời’’ mà chắc rằng vẫn còn duyên nợ:
"Người đi rồi người dưng ơi
Còng lưng tôi hái một đời vị cay!"
‘‘Người đi rồi’’ là sự luyến tiếc cho công việc đã xong của người này, nhưng lại dở dang của người kia. Ai mà hiểu được lòng người sâu thẳm đến độ nào. Xuân Diệu đã có lần thốt lên ‘‘Em là em, anh vẫn là anh’’.
‘‘Người dưng ơi’’ tiếng gọi sao da diết, lưu luyến thế! Chẳng hiểu ‘‘Người đi rồi’’ có nhớ người ở lại hay không? Người ở lại sao cứ day dứt mãi với ‘‘người dưng’’ thế nhỉ? Hay đã phải lòng nhau? Có lẽ chỉ tác giả mới biết được.
Ca dao xưa có câu ‘‘Gió đưa cây cải về giời/ Rau răm ở lại chịu lời đắng cay’’. Đó là nỗi oan của một loài rau, hay nỗi oan của một con người? Từ nghĩa này được chuyển sang một nghĩa khác, đó là nét đẹp của ngôn từ người Việt.
‘‘Mắt lá răm’’ có vị cay đặc biệt hay trữ tình đặc biệt? Cay đến nỗi ‘‘Còng lưng tôi hái một đời vị cay’’. Thế mới biết đôi mắt lá răm có sức quyến rũ lạ kỳ. Sức quyến rũ ấy cứ lan toả mãi khắp thời gian, không gian, khiến ta hái mãi suốt đời.
Bài thơ ngắn, nội dung hàm súc, ý tưởng mênh mang. Nghệ thuật dùng từ, dùng hình ảnh đẹp mà không cần hoa mỹ. Bài thơ đã góp một tiếng nói đẹp cho một tâm hồn đẹp Việt Nam, chắp cánh cho ước mơ bay bổng. Đó cũng là đặc trưng của thơ lục bát, hồn cốt của dân tộc ta.
VƯƠNG BẢO
Đôi mắt lá răm Ai mang đôi mắt lá răm PHẠM TRỌNG TUẤN |