Từ ngày 7 - 11.6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã thực hiện chuyến công du Trung Đông với các điểm dừng chân tại Iraq, Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Iran.
Chương trình hạt nhân của Iran đang đẩy mối quan hệ với Mỹ lên mức rất căng thẳng
Chuyến đi của người đứng đầu ngành Ngoại giao Đức được coi là một động thái mang nhiều ý nghĩa trong nỗ lực góp phần ngăn chặn nguy cơ đối đầu quân sự đang hiện hữu tại điểm nóng này liên quan tới những căng thẳng trong nhiều tháng qua giữa Mỹ và Iran.
Trọng tâm là vấn đề hạt nhân Iran
Tại Jordan, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Đức Maas và Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi đã thảo luận về một loạt vấn đề từ hạt nhân Iran, cuộc xung đột Israel-Palestine, tình hình Syria…
Về vấn đề hạt nhân Iran, Ngoại trưởng Đức đã nhấn mạnh việc các nước châu Âu mong muốn giữ vững thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã ký với Iran, cam kết thực hiện mọi điều khoản đã ký, bày tỏ hi vọng Iran cũng sẽ hành động tương tự bất chấp sức ép trừng phạt từ Mỹ. Nhà ngoại giao Đức nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận “tốt nhất” giúp toàn Trung Đông ổn định và hòa bình hơn. Ngoại trưởng Jordan Safadi đã bày tỏ ủng hộ mọi nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Về cuộc xung đột Israel - Palestin, Ngoại trưởng hai nước đã ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc đối với người tị nạn Palestine, trong bối cảnh Mỹ vài tuần trước đã kêu gọi giải thể tổ chức này sau khi cắt khoản đóng góp hằng năm trị giá khoảng 300 triệu USD.
Về tình hình Syria, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị thông qua đối thoại tại nước này.
Ngoại trưởng Mass cho biết, Đức sẽ cấp cho Jordan khoản vay trị giá 100 triệu USD để giải quyết những khó khăn về kinh tế của vương quốc này. Năm ngoái, các biện pháp cải cách tài chính do Quỹ Tiền tệ quốc tế hậu thuẫn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Jordan.
Tại chặng dừng chân thứ hai ở Iraq, Ngoại trưởng Đức Maas đã gặp Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi thảo luận về các mối quan hệ song phương và những vụ việc căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Thủ tướng Mahdi khẳng định, Baghdad sẽ ủng hộ bất kể nỗ lực nào nhằm ổn định khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng gia tăng. Về phần mình, Ngoại trưởng Maas bày tỏ quan ngại sâu sắc của Đức đối với tình hình khu vực và khẳng định lợi ích to lớn của Berlin trong sự ổn định của Trung Đông. Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức muốn cân bằng các mối quan hệ tại Trung Đông và hy vọng Iraq với vai trò là “trái tim” của khu vực sẽ không bị cuốn vào những bất đồng gần đây, đặc biệt là giữa Mỹ và Iran. Ngoại trưởng Maas tái khẳng định cam kết của Chính phủ Đức trong việc hỗ trợ Iraq về mọi phương diện, cũng như mong muốn mở rộng tiềm năng hợp tác song phương.
Tại UAE, Ngoại trưởng Đức đã thảo luận với Ngoại trưởng Saudi Arabia Ibrahim al-Assaf về hợp tác song phương, vấn đề hạt nhân Iran…Ngoại trưởng Đức cho rằng, thỏa thuận hạt nhân Iran có vai trò "cực kỳ quan trọng" đối với an ninh châu Âu, song EU không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông, EU hiểu rõ những lợi ích kinh tế mà Tehran từng hy vọng từ JCPOA hiện khó "gặt hái" hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Dù vậy, Iran vẫn cần tôn trọng đầy đủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức cho rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là vấn đề gây tranh cãi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia cho rằng việc Iran phát triển năng lực vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã đe dọa tới an ninh khu vực và quốc tế. Theo ông Assaf, thông điệp mà Saudi Arabia mong muốn phát đi là các nước Arab cần phải chung tay, thấu hiểu những mối quan ngại của nhau, đồng thời hướng tới một mục tiêu chung nhằm duy trì an ninh và ổn định.
Tại Iran, chặng dừng chân cuối cùng và cũng là trọng tâm trong chuyến thăm Trung Đông lần này, Iran và Đức đã có cuộc đối thoại "thẳng thắn và nghiêm túc" về thỏa thuận hạt nhân nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định Tehran sẽ hợp tác với các nước EU để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Liên quan đến căng thẳng hiện nay với Mỹ, ông Zarif cảnh báo Washington có thể "sẽ không an toàn" sau khi phát động "cuộc chiến kinh tế" đối với Tehran. Biện pháp duy nhất giảm căng thẳng trong khu vực hiện nay là ngừng cuộc chiến kinh tế này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức và các nước EU khác đều muốn tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Ngoại trưởng Đức cũng cảnh báo rằng sự đổ vỡ của thỏa thuận hạt nhân Iran không mang lại lợi ích cho cả châu Âu và Tehran đồng thời khẳng định: “Nếu Iran rút khỏi thỏa thuận này, điều đó sẽ dẫn đến sự cô lập quốc tế; tình hình sẽ quay trở về như thời gian trước khi đạt được thỏa thuận, trong đó có tất cả các lệnh trừng phạt".
Những nỗ lực của Đức
JCPOA được Iran ký với Nhóm P5+1 vào tháng 7.2015. Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran. Căng thẳng càng trở nên nghiêm trọng khi Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Căng thẳng đẩy hai quốc gia này vào nguy cơ đối đầu quân sự khi Mỹ đã điều động thêm quân cùng các máy bay ném bom và tàu sân bay tới Trung Đông, tuyên bố động thái trên nhằm đối phó với "các mối đe dọa" từ Iran.
Để đáp trả sức ép từ Mỹ, tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani, bước quan trọng nhất để có thể chế tạo vũ khí, nếu tới ngày 7-7 châu Âu không tìm ra được hướng giải quyết mới cho hiệp ước này. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trước thềm chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Đức Maas, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã chỉ trích các nước EU tham gia ký kết JCPOA, cho rằng các nước này đã không cứu vãn thỏa thuận sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi hồi năm 2018 cũng như tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo. Theo ông, Tehran vẫn chưa nhận thấy các bước đi cụ thể và thiết thực từ phía các nước EU nhằm đảm bảo các lợi ích của Iran. Do đó, Iran sẽ không thảo luận bất kỳ vấn đề nào khác ngoài thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu bình thường hóa quan hệ kinh tế với nước cộng hòa Hồi giáo hoặc phải đối mặt với hậu quả.
Do vậy, ngoài mục đích mở rộng ảnh hưởng và làm nổi bật vai trò trung gian hòa giải của Berlin ở khu vực, trọng trách khi tới Trung Đông lần này của nhà ngoại giao Đức được cho là một phần trong nỗ lực của các nước châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đồng thời cố gắng tìm cách hạ nhiệt căng thẳng đang nóng lên từng ngày giữa Mỹ và Iran.
Là chặng dừng chân cuối cùng, song Iran mới là “trọng tâm” của chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. Truyền thông Đức đánh giá, chuyến đi tới Iran của Ngoại trưởng Maas được coi là hoạt động ngoại giao lớn của Đức nhằm giảm bớt căng thẳng và có thể ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự ở Trung Đông. Đó cũng là lý do vì sao trước đó, khi tới Iraq, Jordan và UAE, Ngoại trưởng Đức Maas đều nhắc tới vấn đề Iran và nhấn mạnh việc các nước châu Âu mong muốn giữ vững thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, cam kết thực hiện mọi điều khoản đã ký và hi vọng Iran cũng sẽ hành động tương tự bất chấp sức ép trừng phạt từ Mỹ.
Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày một leo thang, giới phân tích nhận định nhiệm vụ của ông Ngoại trưởng Đức Maas tới Trung Đông để làm "trung gian hòa giải" là không dễ dàng. Nhất là trong khi các nhà chức trách Iran muốn chỉ đàm phán về hiệp ước nguyên tử, thì chương trình phát triển vũ khí của nhà nước Hồi giáo này và hoạt động hỗ trợ của nước này đối với các nhóm Shiite khắp Trung Đông vẫn là một vấn đề quan ngại không chỉ của Washington mà còn đối với cả các nước châu Âu.Và như vậy, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Đức Maas lại càng thêm khó khi mối quan tâm của Washington và châu Âu lại chưa có điểm chung lớn như với Tehran.
Không những thế, trong chuyến thăm UAE vào ngày 9-6, Ngoại trưởng Đức Maas đã cho rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là vấn đề gây tranh cãi. Phát ngôn này của ông đã vấp phải phản đối gay gắt từ phía Iran. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho rằng: “Các quan chức châu Âu không có quyền bình luận về các vấn đề hạt nhân của Iran ngoài khuôn khổ của thỏa thuận JCPOA”.
Thêm nữa, quan hệ Đức-Iran trong vài tháng qua cũng tiến triển không mấy tốt đẹp. Đức tỏ ra không bằng lòng với hoạt động phát triển vũ khí của Iran và vai trò của Tehran trong các vấn đề ở Yemen và Syria. Trong khi đó, Iran cũng không thực sự hài lòng sự thiếu quyết đoán của Đức khi không giúp Tehran khi nước này phải chịu sự trừng phạt từ Mỹ. INSTEX - một kênh thanh toán được Anh, Pháp và Đức thiết lập vào đầu năm 2019 để giúp Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ dù đã đi vào hoạt động nhưng đến bây giờ vẫn chưa có bất kì một giao dịch nào được thực hiện.
Xét cho cùng, những gì Đức hướng tới trong chuyến thăm Trung Đông lần này là thể hiện Berlin là thành viên duy nhất trong JCPOA ra mặt trực tiếp và có tiếng nói ủng hộ Iran, từ đó có thể “lôi kéo” Mỹ trở lại bàn đàm phán và giúp làm giảm căng thẳng đang ngày một gia tăng tại khu vực. Bởi Đức nhận ra rằng, nếu tất cả các thành viên của JCPOA không góp mặt đầy đủ trên bàn đàm phán, nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoại trưởng Đức Maas từng nhấn mạnh, JCPOA là thỏa thuận tốt nhất giúp toàn khu vực Trung Đông ổn định và hòa bình hơn. Tuy nhiên, nỗ lực cứu vãn văn bản này không thể chỉ dừng ở việc kêu gọi đối thoại, mà phải có những hành động cụ thể để dẫn dắt, xúc tiến quá trình hòa giải và đi đến giải quyết sự khác biệt.
Theo TTXVN