Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt học thuyết hạt nhân được sửa đổi.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi đề cập đến việc Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phải chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường mà một cường quốc hạt nhân hỗ trợ.
Quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính thức của Nga là câu trả lời của Điện Kremlin cho quyết định được cho là của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo đó cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) nhằm vào các lực lượng Nga và lực lượng của bên thứ ba đang hoạt động tại tỉnh Kursk.
Học thuyết cập nhật đã nêu rõ các mối đe dọa khiến giới lãnh đạo Nga phải cân nhắc tấn công hạt nhân, trong đó nói rằng một cuộc tấn công bằng tên lửa thông thường, thiết bị bay không người lái hoặc máy bay khác có thể được coi là đáp ứng các tiêu chí này.
Điện Kremlin ngày 19/11 cho biết mục đích của học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga là để khiến những kẻ thù tiềm tàng hiểu được rằng Nga chắc chắn sẽ trả đũa khi Nga hoặc các đồng minh của nước này bị tấn công.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga do một quốc gia phi hạt nhân thực hiện với sự tham gia của một quốc gia hạt nhân đều sẽ được coi là một cuộc tấn công chung.
Khi bình luận về các thông tin cho rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất ở khu vực Kursk của Nga, ông Peskov cho biết quân đội Nga đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ.
Chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, tổng thống Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân để nói rằng bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào vào Nga được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân đều có thể được coi là một cuộc tấn công chung vào Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine kéo dài 2 năm rưỡi đã gây ra cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.