Sự kiện qua ảnh

Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 9/12

VN (theo TTXVN) 09/12/2024 21:59

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương là một trong những sự kiện nổi bật trong ngày.

TRONG NƯỚC

su-kien-noi-bat-1.jpg

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay. Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định vai trò quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng trong việc hoạch định các đường lối chủ trương của Đảng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhấn mạnh về nguy cơ tụt hậu và chệch hướng trong quá trình phát triển về kinh tế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, do đó Ban Kinh tế Trung ương cần tập trung nghiên cứu tham mưu về đường hướng phát triển kinh tế-xã hội cho Đảng và Nhà nước trong thời gian tới. Trong ảnh: Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

su-kien-noi-bat-2.jpg

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày 9/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường tới dự, trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Dự buổi lễ có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các quân khu, quân chủng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, nhân viên Tập đoàn Viettel. Trong ảnh: Chủ tịch nước Lương Cường trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

su-kien-noi-bat-3.jpg

Ngày 9/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 10 của Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, lãnh đạo các bộ, ngành, Quốc hội là thành viên Hội đồng. Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về Báo cáo Tổng kết nhiệm vụ công tác của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Thảo luận, cho ý kiến về việc đề nghị tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho các tập thể, cá nhân. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh phong trào thi đua khen thưởng đã huy động sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị phải tham gia vào cuộc, nhất là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, thể hiện tình đồng chí nghĩa đồng bào, không để ai phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân… Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 10 Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

su-kien-noi-bat-4.jpg

Ngày 9/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết. Theo đó, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với các đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

su-kien-noi-bat-5.jpg

Ngày 9/12, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài và một số đơn vị tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kết nối kinh doanh giữa doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ”, đồng thời ký kết ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các hiệp hội doanh nghiệp về hợp tác toàn diện hỗ trợ thị trường cho thương hiệu Việt. Trong ảnh: Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

su-kien-noi-bat-6.jpg

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 20,5% so với tháng 10 và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2023; đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế của 11 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 12 có kỳ nghỉ lễ Noel và dịp năm mới, với chính sách thị thực thông thoáng cùng nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá sôi động, dự đoán lượng du khách quốc tế Việt Nam tăng nhanh vào những tháng cuối năm. Như vậy, mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế năm 2024 của ngành du lịch Việt Nam sắp "cán đích" thành công. Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

QUỐC TẾ

su-kien-noi-bat-7.jpg

Ngày 9/12, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo ngân sách trị giá 13.900 tỷ yen (92,7 tỷ USD) bổ sung cho năm tài chính 2024 để tài trợ cho gói kinh tế mới, giảm bớt áp lực tài chính do lạm phát gây ra cho các hộ gia đình. Trong đó, Chính phủ có kế hoạch tài trợ khoảng 50% ngân sách bổ sung, tương đương 6.700 tỷ yen, thông qua việc phát hành trái phiếu mới. Dự thảo trên sẽ được thảo luận tại phiên họp bất thường của Quốc hội diễn ra đến ngày 21/12 tới. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

su-kien-noi-bat-8.jpg

Ngày 9/12, cảnh sát Hàn Quốc cho biết đang cân nhắc lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol để điều tra ông về các cáo buộc liên quan đến trách nhiệm ban bố thiết quân luật đêm 3/12 vừa qua. Cảnh sát cũng không loại trừ khả năng thẩm vấn trực tiếp ông Yoon Suk Yeol. Cơ quan cảnh sát quốc gia đã thành lập một nhóm đặc biệt gồm khoảng 150 điều tra viên để xử lý vụ án. Trong ảnh tư liệu: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Thủ đô Seoul. Ảnh: THX/TTXVN

su-kien-noi-bat-9.jpg

Ngày 8/12, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đóng cửa các khu vực quân sự tại Cao nguyên Golan gần biên giới Israel-Syria nhằm tăng cường an ninh sau khi chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ. Thông báo của IDF nêu rõ các khu vực nông nghiệp gần Merom Golan, Ein Zivan, Buq'ata và Khirbet Ein Hura sẽ bị cấm đối với dân thường cho đến cuối tháng này. Nông dân sẽ được phép vào một số khu vực trong vùng cấm trong vài giờ, dựa trên nhu cầu quân sự và qua sự phối hợp với IDF. Trong ảnh: Binh sĩ Israel được triển khai tại khu vực chiếm đóng trên Cao nguyên Golan. Ảnh: THX/TTXVN

su-kien-noi-bat-10.jpg

Lực lượng bảo vệ bờ biển Pohang cho biết tính đến đầu giờ chiều 9/12, đội tìm kiếm, cứu hộ đã tìm thấy 7 thuyền viên, trong đó có 3 người Hàn Quốc và 4 người nước ngoài, trong tàu cá bị lật trước đó cùng ngày, trong tình trạng ngưng tim. Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng đã tử vong. Hiện vẫn còn 1 người mất tích. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm nạn nhân còn lại, được cho là công dân Indonesia. Trước đó, sáng 9/12, tàu cá Geumgwang nặng 20 tấn với 8 thuyền viên đã va chạm với tàu chở hàng 400 tấn, do đó bị lật úp trên vùng biển cách cảng Gampo thuộc TP Pohang, tỉnh Gyeongsang Bắc khoảng 6 km. Trong ảnh: Tàu cá bị chìm ngoài khơi vùng biển Gyeongju, Hàn Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

VN (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 9/12