Sau hơn 1 năm thi công, xây dựng, công trình tượng đài Tiếng sấm đường 5 tại xã Tuấn Việt (Kim Thành) đã hoàn thành đúng tiến độ.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần 2. Nhận thấy đường 5 là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ, chúng đã lập nhiều đồn bốt, tháp canh, mở nhiều cuộc tuần tra, càn quét dọc tuyến đường này và các vùng phụ cận, gây nhiều tội ác với nhân dân ta.
Để bảo vệ tuyến giao thông có vị trí chiến lược, trọng yếu, đồng thời ngăn chặn địch, quân và dân Hải Dương cùng với quân dân Hải Phòng, Hưng Yên đã kiên cường chiến đấu, bám đất, bám làng, tiêu diệt từng tên địch. "Tiếng sấm đường 5" là phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp trên đường 5 và đường sắt Hải Phòng - Hà Nội của quân và dân 3 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên.
Với phương châm “lấy thô sơ chống hiện đại; dùng lực lượng nhỏ, thu thắng lợi lớn", chỉ bằng những quả pháo, trái mìn tự chế hoặc cải tiến từ bom cân, đạn đại bác của địch, ta đã tạo nên “Tiếng sấm đường 5" vang rền, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Đặc biệt là du kích Kim Thành đã có nhiều sáng kiến đánh mìn trên đường sắt phù hợp với từng thời kỳ. Lúc đầu, ta phải dùng chiến thuật thô sơ là "giật dây". Sau lực lượng du kích Kim Thành đã tìm ra cách đánh mới “mìn điện tự động”, không cần người điều khiển, không cần vị trí ẩn nấp ở gần đường, có thể đặt mìn ở bất cứ đoạn nào trong điều kiện thuận lợi. Những hình thức đánh giặc tuy đơn giản nhưng đã góp phần không nhỏ vào phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước.
Tên tuổi nhiều anh hùng của mảnh đất Hải Dương mãi được khắc ghi vào lịch sử như: “Vua mìn đường 5” Nguyễn Văn Thòa, anh hùng Lê Văn Nổ, nữ du kích Đinh Thị Nhìn, anh hùng Đặng Đức Song, anh hùng Hà Văn Nọa…
Tượng đài Tiếng sấm đường 5 là biểu tượng tôn vinh nghệ thuật đánh mìn trên tuyến đường sắt của bộ đội địa phương và du kích Hải Dương.