Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024 là một trong những sự kiện nổi bật ngày 24/8.
TRONG NƯỚC
Ngày 24/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024 để thảo luận, cho ý kiến đối với 8 nội dung, trong đó có 7 dự án, đề nghị xây dựng luật và 1 nội dung báo cáo. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo; bố trí nguồn lực, cán bộ có trình độ, tâm huyết cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế. Đặc biệt, các bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải tham dự đầy đủ, có ý kiến tại các phiên họp xây dựng pháp luật theo quy chế làm việc của Chính phủ… Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Ngày 23/8, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV), tại Thủ đô Buenos Aires. Trong ảnh: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV) Poldi Sosa Schmit, tại Thủ đô Buenos Aires. Ảnh: Diệu Hương –TTXVN
Ngày 24/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trao Học bổng Nguyễn Hữu Thọ và hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố năm học 2024 - 2025. Cùng ngày, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tuyên dương 300 tân sinh viên tiêu biểu, vượt khó năm 2024 và tổng kết cuộc thi ảnh “Nét đẹp người lao động”. Trong ảnh: Trao tặng học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, vượt khó trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Theo Đề án phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh, đến năm 2030 Nghệ An sẽ xây dựng, nâng cấp hoàn thành 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão, các luồng lạch và các dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng kinh phí đầu tư gần 2.400 tỷ đồng. Trong 7 cảng cá được nâng cấp có 3 cảng cá loại 1, 2 cảng cá loại 2 và 2 cảng cá loại 3 với tổng năng lực bốc dỡ đạt 154.500 tấn/năm. Trong 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 2 khu neo đậu cấp vùng; 3 khu neo đậu cấp tỉnh. Toàn bộ các khu neo đậu bảo đảm cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn, tương ứng với 92,28% tổng số tàu cá toàn tỉnh. Trong ảnh: Ngư dân vận chuyển hải sản lên bờ khi tàu thuyền vừa cập cảng cá Lạch Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Những cơn mưa kéo dài từ ngày 22-24/8 đã khiến cuộc sống của nhiều người dân ở các huyện Hòa An, Hà Quảng và TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) bị xáo trộn. Cơn mưa lớn nhất năm trút xuống các địa phương tỉnh Cao Bằng từ tối 22/8 làm nước sông dâng cao. Đến chiều 23/8, nước đổ từ trên núi cao xuống gây ngập lụt, sạt lở nhiều con đường, giao thông ứ trệ. Nước tràn vào nhà khiến không ít gia đình thức cả đêm để kê cao đồ đạc, dọn nhà ngập nước... Trong ảnh: Nhiều hoa màu và nhà dân ở TP Cao Bằng bị ngập. Ảnh: Văn Đạt-TTXVN
Tại khu rừng tự nhiên nằm trên một ngọn núi cao thuộc thôn Tà Lêng, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị vừa xảy ra một vụ phá rừng tự nhiên rất nghiêm trọng. Tại khu vực này, một số đối tượng đã chặt hạ nhiều cây rừng tự nhiên để lấy gỗ rồi vận chuyển ra khỏi rừng. Cây rừng tự nhiên loại lớn bị chặt hạ trái phép có đường kính từ 30 - 35 cm, loại nhỏ cũng 20 cm. Trong ảnh: Một cây gỗ rừng lớn bị "lâm tặc" chặt hạ tại hiện trường vụ phá rừng ở thôn Tà Lêng, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN
QUỐC TẾ
Vòng đàm phán mở rộng về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 25/8. Đây sẽ là một bước quan trọng trong việc xây dựng thỏa thuận. Thông tin trên được đưa ra sau khi người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby cùng ngày nhận định vòng đàm phán mới nhất về ngừng bắn ở Gaza, vừa diễn ra tại Cairo (Ai Cập), đã đạt tiến triển và "mang tính xây dựng". Trong ảnh: Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống trại tị nạn Al-Bureij ở Dải Gaza, ngày 20/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 23/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo về tác động của làn sóng dịch tả mới bùng phát ở Sudan do các yếu tố như lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, vệ sinh kém ở các trại tị nạn trong nước (IDP) và cộng đồng địa phương. Trong cuộc họp báo ở Geneva, Tiến sĩ Shible Sahbani, Đại diện và Trưởng phái bộ WHO tại Sudan, cho biết trong vòng một tháng kể từ khi các trường hợp nghi ngờ đầu tiên được báo cáo, 658 trường hợp nhiễm bệnh tả và 28 trường hợp tử vong đã được xác nhận trên khắp năm tiểu bang, với tỷ lệ tử vong tăng 4,3%. Trong ảnh: Bệnh nhân mắc bệnh tả được điều trị tại trung tâm cách ly ở Wad Al-Hilu, bang Kassala, Sudan, ngày 17/8/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết Chính phủ nước này đã mất dấu hơn 32.000 trẻ em nhập cư không có người lớn đi kèm trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023. Những trẻ em nhập cư nói trên đã không xuất hiện tại tòa án di trú. Do đó, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) không có thông tin những trẻ em này hiện đang ở đâu, với tình trạng pháp lý ra sao. Bên cạnh đó, cơ quan này cảnh báo chúng có thể đối mặt với những tình huống nguy hiểm như trở thành mục tiêu của các đường dây buôn bán trẻ em hoặc bị bóc lột sức lao động. Trong ảnh: Làn sóng trẻ em tị nạn đang khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt nhiều thách thức. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Ngày 23/8, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil cho biết các vụ cháy rừng đang ảnh hưởng tới 30 thành phố thuộc bang này và khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Cảnh báo cháy rừng cấp độ cao nhất đã được ban bố tại tất cả các thành phố này. Trong ảnh: Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở Labrea, bang Amazonas, Brazil. Ảnh: Getty Images/TTXVN
VN (theo TTXVN)