Sự kiện nổi bật ngày 4.2

04/02/2021 19:31

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước là sự kiện nổi bật ngày 4.2.

TRONG NƯỚC


Nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, ngày 4.2, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương theo truyền thống của dân tộc tưởng nhớ các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; Luật sư, Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ; Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng… Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 4.2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối với 5 điểm cầu là: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; đại diện các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan hữu quan… đã tham dự. Trong ảnh: Hội nghị biểu quyết thông qua chủ toạ và thư ký hội nghị. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Ngày 4.2, tại di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nghi lễ cung đình Thăng Long xưa thông qua hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán “Tân Sửu nghênh Xuân”. Lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với một số tổ chức, đơn vị văn hóa thực hành nghi lễ Tiến Xuân ngưu, một nghi thức độc đáo trong cung đình xưa, diễn ra vào ngày lập xuân, với mong muốn xua tan giá rét mùa đông, đón mùa xuân mới và mùa màng bội thu, no ấm. Cũng trong ngày 4.2 (ngày 23 tháng chạp năm Canh Tý), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ ông Công, ông Táo, lễ dựng cây nêu. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức chuỗi các hoạt động trưng bày, trải nghiệm tương tác, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và phục vụ nhân dân đón xuân vui Tết. Trong ảnh: Dựng cây nêu ngày Tết. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Ngày 4.2, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến thời điểm này các cấp Công đoàn cùng các doanh nghiệp đã tổ chức thăm và tặng hơn 420 nghìn suất quà Tết cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn; công nhân bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo; người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất… với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trong ảnh: Lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp trao tặng quà và tiền Tết cho người lao động ở các nghiệp đoàn thuộc khu vực phi chính thức. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Từ một trường hợp khai báo y tế không đúng thông tin khiến nhiều nhân viên y tế bị cách ly, ngày 4.2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân trung thực trong khai báo y tế khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thông tin từ Sở Y tế thành phố, mới đây, một phụ huynh ngụ tại tỉnh Gia Lai đã đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tuy nhiên, khi khai báo y tế bắt buộc, người này khai địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó trường hợp này được xác định thuộc diện F1 (do tiếp xúc với người mắc COVID-19 trước đó, đang được truy vết). Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã trích xuất camera, cách ly 20 nhân viên y tế và làm xét nghiệm khẩn cấp. Rất may, sau đó trường hợp này và các nhân viên y tế đều đã âm tính với SARS-CoV-2. Từ thực tế trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người dân khi đến cơ sở y tế; đồng thời kêu gọi người dân cần khai báo y tế một cách trung thực, chính xác. Trong ảnh: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID -19 TP Hồ Chí Minh họp triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên địa bàn. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Vào lúc 0 giờ 30 ngày 4.2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực IV (Nhatrang MRCC) đã điều tàu chuyên dụng đưa một thuyền viên tàu nước ngoài bị nạn trên biển vào Nha Trang an toàn. Trước đó vào khoảng14 giờ ngày 3.2, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) nhận được thông tin báo, một thuyền viên Daviron Maglaccion (sinh năm 1989; quốc tịch Philippines) trên tàu Echo.Gr (quốc tịch Marshall Islands) bị đau bụng dữ dội, không thể ăn uống được. Trung tâm đã điều tàu đến cấp cứu. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và được điều trị tại một bệnh viện tại TP Nha Trang. Trong ảnh: Các nhân viên cứu nạn của Việt Nam đưa hành lý của thuyền viên nước ngoài bị bệnh sang tàu cứu nạn Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Ngày 4.2, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang, đơn vị vừa đề nghị truy tố bị can đối với Hồ Minh Nhật (sinh năm 1973, ngụ đường Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Trần Văn Giang (sinh năm 1980, ngụ Ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vì hành vi vận chuyển 6 bánh heroin có trọng lượng hơn 2 kg và gần 1kg ma túy đá qua biên giới. Trong ảnh: Đối tượng Trần Văn Giang tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN 

TRONG TỈNH


Sáng 4.2, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị lần thứ 9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Đảng đoàn HĐND tỉnh báo cáo dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo dự thảo hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và nhân sự đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cơ bản nhất trí với báo cáo dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời lưu ý cần phấn đấu đạt tỷ lệ nữ, trẻ tuổi và quan tâm giới thiệu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vào cơ cấu ứng cử. Đối với nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung điều chỉnh cơ cấu, số lượng đại biểu tái cử để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị lần thứ 9 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên

Chiều 4.2, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và các huyện Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng yêu cầu CDC tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Việt Á để nâng tối đa công suất xét nghiệm, bảo đảm xét nghiệm trong ngày với 100% số mẫu. Đối với những trường hợp nguy cơ cao, có biểu hiện ho, sốt, phải thông báo kết quả trong 6 giờ sau khi nhận mẫu. Đối với các trường hợp F1 phải thông báo kết quả trong ngày. Việc xét nghiệm cần ưu tiên những trường hợp nguy cơ cao, các cháu nhỏ và lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Trước mắt, cần tập trung ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, F2 ở huyện Cẩm Giàng để sớm khống chế ổ dịch tại xã Tân Trường và thị trấn Lai Cách. Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng trao tặng quà các lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung của huyện Kim Thành. Ảnh: PV


QUỐC TẾ


Ngày 3.2, Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua kế hoạch ngân sách, mở đường cho việc phê chuẩn gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên Đảng Cộng hòa. Theo dự thảo ngân sách trên, phe Dân chủ chỉ cần đa số phiếu (51 phiếu) tại Thượng viện để thông qua gói cứu trợ, thay vì 60 phiếu cần thiết như đối với hầu hết các dự luật. Hiện Thượng viện Mỹ vẫn chưa bỏ phiếu về dự thảo ngân sách trên. Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp Hạ viện Mỹ tại Washington, DC ngày 6.1. Ảnh: AFP/TTXVN


Chính phủ Đức đã xây dựng bản dự thảo trình Quốc hội Đức xem xét tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia có tên gọi "Tình hình dịch bệnh phạm vi cả nước" cho tới cuối tháng 6 tới. Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn đã đề nghị Quốc hội thảo luận, phê chuẩn quy định về tình trạng khẩn cấp quốc gia vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 tới. Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc vào cuối tháng 3, vì vậy để tiếp tục bảo đảm các khoản hỗ trợ tài chính cũng như các quy định linh hoạt về chăm sóc sức khỏe và y tế, cần phải tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để bảo đảm tính pháp lý. Trong ảnh: Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Munich, Đức trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 3.2, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) ra báo cáo cho biết do tác động từ những hạn chế đi lại trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vận tải hàng không thế giới trong năm 2020 đã chứng kiến mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử (66%). IATA cũng cảnh báo rằng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể tác động đến triển vọng phục hồi của ngành này trong năm nay. Trong ảnh: Cảnh vắng vẻ tại một sân bay ở Lod, Israel trong bối cảnh các hạn chế đi lại được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19, ngày 26.1. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Sự kiện nổi bật ngày 4.2