Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 8 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 là sự kiện nổi bật ngày 27.9.
TRONG NƯỚC
Ngày 27.9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến với 8 địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nguy cơ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 (bão Noru). Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng bão số 4 diễn biến tương đối phức tạp, cường độ mạnh, di chuyển nhanh; nhất trí với quan điểm công tác phòng, chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để có sự chủ động trong chuẩn bị và phòng, chống bão. Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương tới xã, phường trong chủ động phòng, chống bão số 4; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và không hốt hoảng, lo sợ để ứng phó với bão số 4. Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, chú trọng bảo vệ người yếu thế, người già, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch; cương quyết di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ mất an toàn do bão lũ, cần thiết có thể phải cưỡng chế, với mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp ứng phó cơn bão số 4. Ảnh: Dương Giang–TTXVN
Ngày 27.9, tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Hội nghị Triển khai Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng chủ trì hội nghị. Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến với 49 Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương. Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Hội nghị là sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 27.9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương để lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 30). Tại cuộc họp, các ý kiến thống nhất, sau khi triển khai các chính sách phòng, chống dịch quy định tại Nghị quyết 30, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý kịp thời để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chủ động đưa ra các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả các biện pháp chống dịch ở mức cao mà vẫn bảo đảm ổn định tâm lý người dân. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, ngày 27.9, tại TP Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum và Ủy ban chính quyền tỉnh Salavan (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác giữa 2 tỉnh giai đoạn 2022 – 2027 nhằm tiếp tục tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang và Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Salavan Phoxay Sayasone làm trưởng đoàn hai tỉnh. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn và Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Salavan Phoxay Sayasone ký kết ghi nhớ. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832 - 2022) và sự kiện Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được UNESCO đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản văn hóa thế giới, ngày 27/9, tại di tích Gò Cây Thị (nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê), Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang tổ chức triển lãm chuyên đề “Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê qua 10 năm bảo tồn, phát huy giá trị”. Triển lãm giới thiệu hơn 200 hình ảnh tư liệu quý về công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê sau 10 năm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng. Tất cả các hình ảnh được thể hiện bằng phương pháp đồ họa trên chất liệu gọn nhẹ, hiện đại kết hợp tham quan Di tích Gò Cây Thị, từ đó giúp người xem nhận diện đầy đủ và làm sáng tỏ giá trị của nền Văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại ở vùng đất An Giang. Trong ảnh: Đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Công Mạo -TTXVN
Ngày 27.9, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối với 5 bị cáo gồm: ông Nguyễn Chí Hiến (sinh năm 1960, thời điểm xảy ra vụ án là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, kiêm nhiệm Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa); bà Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1964, thời điểm xảy ra vụ án là Phó Giám đốc Phụ trách Sở Tài chính tỉnh Phú Yên); ông Mai Hắc Lợi (sinh năm 1962, thời điểm xảy ra vụ án là Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên); ông Nguyễn Ngọc Duy (sinh năm 1976, thời điểm xảy ra vụ án là Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên) và ông Ngô Quang Phú (sinh năm 1980, thời điểm xảy ra vụ án là Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên). Các bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm vì xảy ra trong quá trình tổ chức bán đấu giá 262 lô đất nhà liền kề tại khu đô thị Nam TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên). Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN
QUỐC TẾ
Chiều 27.9, Chính phủ Nhật Bản đã long trọng tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Shinzo Abe tại Võ Đạo quán Nhật Bản (Nippon Budokan) ở trung tâm Thủ đô Tokyo. Đây là quốc tang thứ hai dành cho một cựu Thủ tướng trong thời hậu Chiến trang Thế giới thứ hai ở Nhật Bản. Tham dự quốc tang có hơn 4.000 quan khách trong và ngoài nước, trong đó có Thủ tướng Fumio Kishida, Chủ tịch Hạ viện Hiroyuki Hosoda, Chủ tịch Thượng viện Hidehisa Otsuji, hơn 700 nghị sĩ, nguyên nghị sĩ Quốc hội và 44 thống đốc các tỉnh, thành, cùng với hơn 700 quan khách nước ngoài đến từ 218 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam dự Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt hoa tưởng niệm cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 27.9, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng những người đồng cấp Australia và Ấn Độ đã nhất trí hợp tác hướng đến một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở - tầm nhìn được cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ủng hộ. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kishida đã đạt được sự đồng thuận này trong các cuộc gặp riêng rẽ với Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước lễ quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo ở Tokyo. Trong ảnh: Thủ tướng Australia Anthony Albanese (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), ông Mohammad Eslami ngày 26.9 nhấn mạnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cần "độc lập và khách quan" trong việc kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của Iran. Phát biểu tại Hội nghị Toàn thể IAEA ở Thủ đô Vienna của Áo, ông Eslami khẳng định chương trình hạt nhân của Iran nhằm phục vụ các mục đích dân sự như sản xuất điện, y tế, nông nghiệp, môi trường và công nghiệp. Trong ảnh: Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami phát biểu tại Hội nghị Toàn thể IAEA ở Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN
Sáng 27.9 (giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) đã hoàn thành sứ mệnh đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ của NASA đâm thành công vào tiểu hành tinh trong không gian - sự kiện được giới khoa học xem là một phần trong cuộc thử nghiệm tác động tới quá trình di chuyển của tiểu hành tinh. Tàu vũ trụ tham gia sứ mệnh DART, trị giá 330 triệu USD, có nhiệm vụ lao thẳng vào một tiểu hành tinh ở cách Ấn Độ Dương 11 triệu km. Thử nghiệm này nhằm giúp các nhà khoa học đánh giá liệu có thể làm chệch hướng các tiểu hành tinh có nguy cơ đe dọa tới Trái đất trong tương lai hay không. Trong ảnh (hình ảnh mô phỏng do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ-NASA công bố ngày 4.11.2021): Tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) chuẩn bị đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Ảnh: AFP/TTXVN