Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước; TP Chí Linh cần ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ... là những sự kiện nổi bật ngày 18.9.
TRONG NƯỚC
Sáng 18.9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam giai đoạn 2020-2025 bằng hình thức trực tuyến tới 64 điểm cầu trong cả nước với sự tham sự của gần 1.500 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tập trung tuyên truyền, vận động để các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên thành viên của Mặt trận nâng cao nhận thức và trách nhiệm tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các đại biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Ngày 18.9, tại TP Bắc Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V (giai đoạn 2020- 2025). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Giang cùng hơn 400 đại biểu dự Đại hội. Tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Lao động hạng ba tặng hai cá nhân của tỉnh Bắc Giang. Nhân dịp này, 186 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực trong 5 năm qua của tỉnh được nhận Cờ thi đua, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng nhất và Huân chương Lao động hạng ba cho 2 cá nhân của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN
Sáng 18.9, tiếp tục phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Trong ảnh: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Ngày 18.9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 (gọi tắt là AFMGM+3) theo hình thức trực tuyến. Các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN cùng 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và lãnh đạo một số tổ chức tài chính quốc tế sẽ tiến hành đối thoại chính sách về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực cũng như các biện pháp nhằm ứng phó trước đại dịch COVID-19; xem xét việc triển khai các sáng kiến hợp tác thuộc Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN+3. Đây là hội nghị quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện hợp tác tài chính ASEAN+3 do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì trong năm 2020. Trong ảnh: Hội nghị bắt đầu với phiên đối thoại về chính sách và đánh giá kinh tế. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN
Vào lúc 23h45 ngày 18.9.2020, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đi sân bay Narita (Tokyo, Nhật Bản). Theo kế hoạch trong tháng 9, Vietnam Airlines sẽ có các chuyến bay đến Narita khởi hành từ Hà Nội vào 23h45 các ngày 18.9, 25.9, 30.9 và từ TP Hồ Chí Minh lúc 0h ngày 30.9 đều bằng tàu bay thân rộng Boeing 787 Dreamliner. Vietjet khôi phục đường bay đến Tokyo, Seoul và Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) từ ngày 29.9 với tần suất 1 chuyến/tuần. Bamboo Airways cũng nối lại đường bay Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) từ 29.9 với tần suất 1 chuyến/tuần. Trong ảnh: Máy bay các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lúc 12h ngày 18.6 cho biết, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão số 5 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu mùa bão năm 2020. Không chỉ gây mưa lớn, ngập lụt ở các tỉnh từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế, bão số 5 sau khi đổ bộ đã làm 1 người tử vong, 29 người bị thương, hơn 1.700 nhà bị tốc mái. Mưa lũ cùng gió giật mạnh khi bão số 5 đổ bộ cũng khiến nhiều cây xanh ở TP Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Trị…và các huyện bị đổ ngã. Nhiều cột trụ điện bị gãy đổ, đường dây bị đứt. Một số tuyến đường bị ngập nước, giao thông chia cắt…Trong ảnh: Bão số 5 làm đổ cây vào xe ô tô tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Mai Trang - TTXVN
TRONG TỈNH
Chiều 18.9, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Thành ủy Chí Linh để xem xét ban hành Nghị quyết phát triển TP Chí Linh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành cơ chế đặc thù để tạo động lực phát triển TP Chí Linh giai đoạn 2020-2025. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Thường vụ Thành ủy Chí Linh chủ trì phối hợp các cơ quan chuyên môn chuẩn bị lại nội dung Nghị quyết phát triển TP Chí Linh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm làm rõ định hướng phát triển thành phố trong từng giai đoạn. Phải định rõ trong tương lai TP Chí Linh sẽ ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ. Chí Linh cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố, có giải pháp thu hút, tạo điều kiện hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào địa bàn; nghiên cứu quy hoạch chi tiết khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh nhằm đồng thời phát triển cả 2 địa phương. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Trung Thu
Sáng 18.9, UBND tỉnh xem xét báo cáo nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh quy hoạch cần tập trung vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, con người; đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số. Mục tiêu của tỉnh là phấn đầu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nên đô thị hóa là vấn đề cần được quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với báo cáo của Sở Xây dựng về hồ sơ đề án đề nghị công nhân đô thị xã Thanh Quang (Nam Sách) đạt tiêu chí đô thị loại V... Trong ảnh: Quang cảnh phiên họp thường kỳ tháng 9. Ảnh: Nguyễn Lan
Chiều 18.9, Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2020 họp bàn về kế hoạch và kịch bản tổ chức lễ hội. Lễ hội năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại nên việc tổ chức sẽ gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm trang trọng. Dự kiến lễ hội diễn ra từ ngày 26.9 - 6.10 (tức ngày 10-20.8 âm lịch), vẫn có những phần lễ chính nhưng thu hẹp quy mô và thời lượng tổ chức như: Lễ dâng hương và tế cáo yết; lễ giỗ Đức Thánh Trần; lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi... Phần hội dự kiến chỉ tổ chức hai hoạt động đặc trưng là múa rối nước và diễn xướng hầu Thánh. Trong ảnh: Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chủ trì cuộc họp. Ảnh: Huyền Anh
QUỐC TẾ
Trên trang mạng Twitter ngày 17.9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện và nhấn mạnh rằng kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 có thể không bao giờ được xác định chính xác, thậm chí có nguy cơ sẽ làm suy yếu tính hợp pháp của ứng cử viên chiến thắng. Dự đoán số bang của Mỹ sẽ áp dụng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới sẽ phổ biến hơn nhiều trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cho đến nay, các chuyên gia nghiên cứu bầu cử Mỹ cho rằng khó có thể xảy ra gian lận ở hình thức bỏ phiếu này. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17.9, Bộ Ngoại giao Belarus ra tuyên bố khẳng định việc Nghị viện châu Âu (EP) thông qua nghị quyết không công nhận ông Alexander Lukashenko là Tổng thống của nước này khi ông mãn nhiệm vào tháng 11 tới và đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Minsk coi việc EP thông qua nghị quyết này là hành động gây hấn và không mang tính xây dựng. Tuyên bố nêu rõ nước này thất vọng khi EP lại đưa ra nghị quyết trên khi chưa hiểu về những diễn biến tại Belarus. Bộ trên cũng nhấn mạnh việc kêu gọi trừng phạt và từ chối các mối quan hệ vì lợi ích của người dân châu Âu và Belarus sẽ gây ra nhiều tổn hại. Trong ảnh: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại điểm bầu cử Tổng thống ở Minsk, ngày 9.8.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Từ ngày 18.9 theo giờ địa phương, Chính phủ Anh sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng đối với toàn bộ vùng Đông Bắc England có hơn 10 triệu dân. Trước đó, toàn bộ khu vực này cũng đã bị áp lệnh phong tỏa sau khi tỷ lệ lây nhiễm tăng gấp đôi chỉ trong một tuần qua. Ngoài ra, các bệnh viện của Anh cũng được thông báo phải gấp rút chuẩn bị thêm giường bệnh trong vòng 2 tuần tới để đối phó với làn sóng lây nhiễm lần 2. Trong ảnh: Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện St Thomas ở phía Bắc London, Anh ngày 1.4.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17.9, khoảng 150 người biểu tình, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã tụ tập trước Đại sứ quán Pháp ở Baghdad (Iraq), phản đối việc tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp cho đăng lại các tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo. Trước đó, hồi đầu tháng, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo - từng là mục tiêu tấn công khủng bố của các tay súng Hồi giáo năm 2015 - đã đăng lại những hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed nhân dịp các nghi can trong vụ này bị đưa ra xét xử. Việc đăng hình ảnh của nhà tiên tri là điều cấm kỵ trong luật Hồi giáo. Trong ảnh: Tuần hành phản đối tòa soạn báo Charlie Hebdo của Pháp cho đăng lại các tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo ở Baghdad. Ảnh: AFP/TTXVN