Bế mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 16.6.
TRONG NƯỚC
Chiều 16.6, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã họp phiên bế mạc sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương và hoàn thành chương trình đề ra. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng. Quốc hội xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021. Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Xem xét, thông qua các Nghị quyết về chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023…Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Ngày 16.6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 701 - Trung tâm hành động bom mìn quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động truyền thông và trao thưởng cuộc thi ''Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam'' hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn bom mìn. Trong ảnh: Thiếu tướng Trần Trung Hòa, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia trao giải cuộc thi ''Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam'' cho các tác giả. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Ngày 16.6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới", với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới. Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Năm nay, tỉnh Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn, trong đó 100% diện tích trồng vải được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn. Trong ảnh: Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều tại diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Ngày 16.6, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam và triển khai Nghị định 85/2021/NĐ -CP về Thương mại điện tử, Quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng nhận hợp đồng điện tử. Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) do Trung tâm Tin học và Công nghệ số phối hợp cùng các đối tác công nghệ để phát triển. Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các Tổ chức Chứng thực hợp đồng điện tử trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử (xacthuc.CeCa.gov.vn) cho bên thứ ba. Trong ảnh: Các đại biểu với nghi thức ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Ngày 16.6, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với công an huyện Bù Gia Mập tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ vụ nghi án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương xảy ra vào khoảng 3 giờ 10 phút sáng cùng ngày. Vào thời điểm trên, Công an xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) nhận được tin báo của người dân về việc căn nhà bà Trần Thị Ngọc Vân ở thôn Bù Rên bị cháy nên đã phối hợp các lực lượng chức năng của xã đến ngay hiện trường. Lúc này ngọn lửa đã được người dân đập tắt, nhưng cửa ngôi nhà bị khóa bên trong. Khi phá cửa vào trong, lực lượng công an xã và người dân phát hiện ông Nguyễn Đình Nhi (56 tuổi, chồng bà Vân) nằm bất tỉnh ở phòng khách, bên cạnh có 1 chai thuốc sâu. Tại phòng ngủ có 2 nạn nhân nữ đã tử vong (cả 2 đều bị cháy) là bà Trần Thị Ngọc Vân (52 tuổi) và bà Trần Thị Ngọc Tùng (53 tuổi, thường trú tỉnh Quảng Nam). Trong ảnh: Hiện trường vụ án. Ảnh: TTXVN
QUỐC TẾ
Ngày 16.6, tại thị xã Meungxay, tỉnh Oudomsay (Lào) đã diễn ra lễ truy điệu, bàn giao và hồi hương 8 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh tại 6 tỉnh Bắc Lào trong các thời kỳ về với đất Mẹ Việt Nam. Đây là đợt bàn giao hài cốt liệt sĩ thứ 2 được Đội quy tập Quân khu II thực hiện trong mùa khô 2021-2022. Trong ảnh: Đại tá Hán Văn Hùng (trái) và đại diện Ban Công tác đặc biệt của Lào đang ký biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Ngày 16.6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết chính phủ của ông sẽ theo đuổi các chính sách kinh tế có trọng tâm là tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt, giảm điều tiết nhằm đưa nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Phát biểu tại một cuộc họp về định hướng chính sách của tân Chính phủ Hàn Quốc nhằm đề ra kế hoạch kinh tế trong 5 năm tới, Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu rõ: “Nền kinh tế của chúng ta đang phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt ở cả trong và ngoài nước. Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (giữa) tại cuộc họp ở Seoul, ngày 16.6.2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Israel, Ai Cập và Liên minh châu Âu (EU) ngày 15.6 đã ký một bản ghi nhớ trong đó Israel sẽ lần đầu tiên xuất khẩu khí tự nhiên tới châu Âu. Theo thoả thuận mới, Israel sẽ vận chuyển khí đốt qua Ai Cập - quốc gia có cơ sở hạ tầng để tiến hành hoá lỏng trước khi xuất khẩu bằng đường biển. Thời báo Israel cho biết thoả thuận lịch sử này sẽ giúp tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho các nước EU nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine. Trong ảnh: Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên của Israel ở ngoài khơi TP Haifa, trên Địa Trung Hải. Ảnh: Reuters/TTXVN
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15.6 đã công bố mức tăng lãi suất cơ bản mạnh nhất trong gần 30 năm qua, thêm 0,75%, sau cuộc họp hai ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách của FED. Đây là lần tăng lãi suất 0,75% đầu tiên kể từ tháng 11.1994 nhằm hạn chế tăng trưởng nóng và ứng phó với lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm. Trong ảnh: Đồng tiền giấy mệnh giá 100 USD ở Washington DC. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 15.6, Microsoft đã chính thức khai tử Internet Explorer - trình duyệt truy cập Internet gắn liền với bao thế hệ người dùng Internet đầu tiên của Microsoft sau 27 năm. Trên bài đăng chính thức của công ty ngày 15.6, Microsoft thông báo: "Internet Explore chính thức về hưu từ hôm nay và sẽ không còn được hỗ trợ cập nhật. Những cải tiến của Internet Explorer không còn phù hợp với cải tiến cho web nói chung, do đó thay đổi là cần thiết để tạo ra sự đột phá mới." Như vậy, công ty công nghệ này sẽ ngừng hoàn toàn việc cung cấp các phần mềm sửa chữa hoặc nâng cấp đối với trình duyệt Explorer đang lưu hành, và người dùng sẽ được chuyển hướng tới trình duyệt thay thế là Microsoft Edge. Trong ảnh: Logo của Microsoft tại tòa nhà ở New York City, Mỹ ngày 28.7.2015. Ảnh: REUTERS/TTXVN