Sự kiện nổi bật ngày 15.3

15/03/2022 20:02

Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio; Sông Thái Bình, sông Sặt là điểm nhấn trong quy hoạch chung TP Hải Dương... là những sự kiện nổi bật ngày 15.3

TRONG NƯỚC


Chiều 15.3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chủ trì Lễ đón và hội đàm với Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 20.3. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng 15.3, Tổng thống Julius Maada Bio và phu nhân cùng đoàn đại biểu nước Cộng hòa Sierra Leone đến đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và thăm Trường Đại học FPT tại khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chụp ảnh chung với Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio và Phu nhân. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Chiều 15.3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về chất vấn và trả lời chất vấn trong nội dung chương trình phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Trưa 15.3, sân bay Nội Bài và các đơn vị trong dây chuyền phục vụ hàng không đã vui mừng đón chuyến bay SQ192 của hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore đến Hà Nội hạ cánh an toàn, đánh dấu một mốc mới Việt Nam chào đón khách du lịch quốc tế sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết từ ngày 15.3, Việt Nam chính thức khôi phục lại hoạt động đón khách quốc tế nhập cảnh như giai đoạn chưa xảy ra dịch COVID-19. Đến thời điểm này các hãng hàng không đã sẵn sàng khôi phục đường bay, mở bán vé thương mại. Theo đại diện các hãng hàng không, nhằm chuẩn bị cho tăng tần suất bay quốc tế, gần đây các hãng hàng không đã rầm rộ tuyển bổ sung nhân sự sau 2 năm phải cắt giảm vì dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách quốc tế đến Hà Nội trong ngày đầu mở cửa đón khách du lịch. Ảnh: TTXVN


Ngày 15.3, tại xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khánh thành “Mô hình thử nghiệm nước từ gió” (Water-byWind demonstration - WbW) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ. Dự lễ khánh thành có Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh; ông Paul Janssen, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương Quốc Bỉ tại Việt Nam cùng lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận. Điểm nổi bật của mô hình này là khả năng tiếp cận và di chuyển dễ dàng đến các ranh mặn khác nhau theo từng mùa để cung cấp nước ngọt cho người dân trong trường hợp khẩn cấp. Việc vận hành và bảo dưỡng của mô hình rất đơn giản, chi phí thấp và vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo; đồng thời có thể đóng góp điện cho mạng lưới điện tại địa phương. Dự án bao gồm các hợp phần; trong đó hợp phần 1 là các hoạt động chuẩn bị. Hợp phần 2 là vận hành, bảo dưỡng mô hình WbW và khu trình diễn. Hợp phần 3 là chuyển giao công nghệ và truyền thông và hợp phần 4 là giám sát, đánh giá và quản lý dự án. Trong ảnh: Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành dự án “Mô hình thử nghiệm nước từ gió” tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Thử - TTXVN


Ngày15.3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an Quận Hai Bà Trưng kiểm tra nơi chứa hàng hoá tại Kho C5 - H19 khu vực Cảng Hà Nội, số 838 Bạch Đằng. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện gần 60.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, hơn 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ, trị giá lô hàng ước tính trên 10 tỷ đồng, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ liên quan. Toàn bộ số hàng bị thu giữ, tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo luật định. Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra trực tiếp tại kho hàng. Ảnh: TTXVN

TRONG TỈNH

Sáng 15.3, UBND tỉnh tổ chức họp, xin ý kiến về phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2040 làm cơ sở hoàn thiện trình Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt. Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nêu rõ TP Hải Dương đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I năm 2019 nhưng hiện vẫn tồn tại bất cập về hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xử lý nước thải. Do đó, phương án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố phải nhìn thẳng vào những hạn chế, vướng mắc để có tính toán hợp lý, lâu dài. Các nội dung điều chỉnh phải dựa trên cơ sở thực tế, định hướng phát triển, thể hiện tầm nhìn chiến lược. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Dương phải quan tâm việc khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Thái Bình, sông Sặt. Coi đây là điểm nhấn trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố thời gian tới. Đồng thời phải tính đến phương án di chuyển những công trình không phù hợp ra khỏi khu vực nội thành. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Mơ


Sáng 15.3, đồng chí Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Miện để chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của huyện giai đoạn 2022-2025. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí cao với kế hoạch thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của Thanh Miện. Để các dự án, công trình được thực hiện theo đúng tiến độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập thể lãnh đạo huyện Thanh Miện phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch chi tiết của từng dự án, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó phải rà soát, xác định lại nguồn vốn, sớm có kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí để khởi công thực hiện các dự án cho kịp tiến độ. Đối với dự án xây dựng Khu hành chính tập trung, huyện cần ra soát lại quy hoạch, lên mẫu thiết kế tổng thể, bảo đảm hài hòa với quy hoạch không gian của huyện và xu hướng phát triển. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Quân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hữu Trình


QUỐC TẾ


Ngày 14.3, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và công ty của Nga, trong đó có tỷ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea của Anh. Đây là gói biện pháp trừng phạt thứ 4 của EU đối với Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. Gói trừng phạt thứ 4 còn bao gồm kế hoạch cấm nhập khẩu “các mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực sắt thép”, cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ, trong đó có xe ô tô trị giá trên 50.000 euro (55.000 USD) và một lệnh cấm đầu tư vào các công ty dầu mỏ và lĩnh vực năng lượng. Trong ảnh (từ trái sang): Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Ủy viên EU phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni trước phiên họp các Bộ trưởng Tài chính nhóm Eurozone ở Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 14.3, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin các lực lượng an ninh nước này đã đập tan một âm mưu phá hoại nhằm vào khu vực đặt nhà máy hạt nhân Fordow, bắt giữ một số đối tượng liên quan. Nhân thân những nghi phạm này cũng như con số cụ thể không được công bố. Tuy nhiên, giới chức Iran cáo buộc trong âm mưu này có vai trò của Israel. Hiện Văn phòng Thủ tướng Israel chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan vụ việc này. Trong ảnh: Hình ảnh vệ tinh vị trí cơ sở hạt nhân ngầm Fordow ở ngoại ô TP Qom, miền Trung Iran. Ảnh: news.sky.com/TTXVN


Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps thông báo chấm dứt tất cả hạn chế đi lại vốn được áp đặt nhằm phòng chống COVID-19, mở cửa trở lại du lịch sau gần 2 năm đóng cửa, kể từ 4h ngày 18.3 (giờ địa phương). Bộ trưởng Shapps cho biết những thay đổi về quy định này là nhờ chương trình tiêm chủng của Anh và người dân sẽ có một "Lễ Phục sinh tự do hơn". Trong ảnh: Người dân đi xe buýt tại London, Anh. Ảnh: THX/TTXVN


Công ty liên doanh NAOC - một công ty con của Tập đoàn dầu khí Italy (ENI) - ngày 14.3 thông báo đã xảy ra một vụ nổ trên đường ống dẫn dầu do tập đoàn này vận hành ở Okparatubo - khu vực thuộc chính quyền địa phương Nembe, bang Bayelsa, miền Nam Nigeria. Vụ việc gây tràn dầu và giảm khối lượng dầu xuất khẩu từ cảng Brass, vốn vào khoảng 25.000 thùng dầu mỗi ngày. Các giếng dầu nối với đường ống này đã ngay lập tức bị đóng cửa, trong khi các cần nổi và bờ ngăn đã được huy động để giảm tác động của sự cố tràn dầu. Trong ảnh: Hiện trường một vụ nổ đường ống dẫn dầu do Tập đoàn dầu khí ENI của Italy ở miền Nam Nigeria. Ảnh: Africanews.com/TTXVN


Ngày 15.3, một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại một khu nhà trọ 2 tầng ở Newtown, vùng ngoại ô phía tây TP Sydney của Australia. Báo cáo ban đầu cho biết đã có 3 người thiệt mạng và 1 người đang được điều trị tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Theo cảnh sát địa phương, nguyên nhân của vụ hỏa hoạn là "đáng ngờ". Lực lượng cứu hỏa đã phải nỗ lực trong suốt 2 giờ mới có thể khống chế được ngọn lửa. Trong ảnh: Lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy khu nhà trọ ở Newtown, vùng ngoại ô phía tây TP Sydney, Australia. Ảnh: AAP/TTXVN

(0) Bình luận
Sự kiện nổi bật ngày 15.3